Không cần khuôn gỗ, người dân làng nghề truyền thống Tranh Khúc (xã Duyên Hà, Thanh Trì, Hà Nội) chỉ mất 30 giây để hoàn chỉnh một chiếc bánh. Cứ mỗi độ cận Tết Nguyên Đán khắp con đường thơm mùi bánh mới, đậu hấp thơm lừng, tiếng nhộn nhịp nói cười từ khoảng sân trước nhà. Bầu không khí đầy đặc trưng đó chỉ có khi đến với làng Tranh Khúc, nơi nổi tiếng với nghề làm bánh chưng gia truyền. Để nói về làng nghề có từ bao giờ thì chẳng mấy ai biết, nhưng chỉ biết rằng những chiếc bánh chưng được làm từ nơi đây đến với mâm cỗ cúng ngày Tết của người dân Hà Nội và khắp các tỉnh miền Bắc đã từ nhiều đời, cho đến nay truyền thống của làng nghề vẫn được duy trì và phát triển. Không chỉ yêu cầu khắt khe với gạo, đỗ xanh được dùng cũng phải là loại hạt nhỏ, ruột vàng được thổi chín và giã nhuyễn. Thịt heo nạc vai và ba chỉ được các gia đình lựa chọn làm nhân vì thế bánh có vị béo ngậy. Những nắm nhân được những đôi bàn tay khéo léo vo tròn đều nhau để đặt trong bánh. Vừa mới xuất đi hàng nghìn chiếc bánh trong buổi sáng, hộ gia đình anh Nguyễn Ngọc Sơn với hàng chục công nhân lại đang chuẩn bị gấp rút để bắt đầu cho mẻ bánh mới. Anh Sơn cho biết: “Do dịch đã qua nên năm nay việc buôn bán trở lại nhộn nhịp, ước tính vào dịp Tết Nguyên đán năm nay gia đình tôi sẽ bán được 1 vạn chiếc bánh”. Trong khoảng sân nhà mỗi người một công đoạn khiến cho việc gói hàng nghìn chiếc bánh chỉ là chuyện bình thường, người dân làng Tranh Khúc nếu gói quen tay chỉ mất khoảng 30 giây để có một chiếc bánh chưng hoàn thiện, mỗi tiếng có đủ 130 chiếc bánh là chuyện thường, nhưng con số đó đối với những gia đình không làm nghề thì đó lại là một tốc độ đáng nể. Thông thường để hoàn thiện 1 chiếc bánh chưng, công đoạn mất nhiều thời gian nhất là chuẩn bị nguyên liệu, trong khi công đoạn gói bánh chỉ mất 30 giây. Để việc gói bánh được nhanh, cần ít nhất 2 người, trong đó một người cho nguyên liệu gạo nếp, nhân đỗ, thịt lên lá dong rồi gấp lại trước sau đó chuyển cho người buộc lạt. Tùy vào cỡ bánh khách đặt mà những mẻ luộc sẽ kéo dài từ 9-12h, những chiếc bánh nóng hổi được xếp bên ngoài cho nguội dần rồi được ép chân không bảo quản trong điều kiện mát mẻ. Bánh vớt ra sẽ được di chuyển vào phòng lạnh. Để bảo quản sản phẩm được lâu hơn, phục vụ cho những đơn hàng xuất vào siêu thị hoặc xuất đi nước ngoài, người thợ đã sử dụng công nghệ hút chân không. Bánh sau khi được hút chân không sẽ kéo dài thời gian bảo quản từ 10 – 15 ngày. Bánh chưng tại đây được làm theo yêu cầu của khách, ngoài bánh chưng truyền thống còn có bánh chưng nhân cá hồi, nhân thịt gà, bánh chưng chay, bánh chưng cốm… Hiện nay ở làng Tranh Khúc có gần 200 hộ thì đến 90% số hộ vẫn giữ nghề gói bánh chưng truyền thống, bánh chưng của làng giờ đây không chỉ phục vụ thực khách tại Hà Nội và các tỉnh lân cận mà còn được bán ở nhiều vùng trên cả nước, thậm chí còn là thực phẩm “hàng hiếm” được người Việt mang ra cả nước ngoài. Nguồn: https://vietnamdaily.trithuccuocson...-gap-e-kip-goi-banh-nhanh-nhu-may-161580.html