Toà xét kháng cáo kêu oan của cô giáo bị phạt 5 năm tù NGHỆ ANTòa phúc thẩm xét kháng nghị của VKS và kháng cáo kêu oan của bà Lê Thị Dung, bị cáo trong vụ án gây thiệt hại 45 triệu đồng tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hưng Nguyên. 6 luật sư tham gia bào chữa miễn phí cho bà Dung tại phiên toà mở hôm nay ở TAND tỉnh Nghệ An. Chiều 11/6, ông Phạm Ngọc Thạch, 57 tuổi, chồng bà Dung, cho biết ngày 6/6 gia đình có gặp và nói chuyện với vợ trong khoảng 20 phút qua máy tính của trại giam. Trước đó vợ ông khá buồn, hiện tâm lý đã tốt hơn. Gia đình đã làm đơn gửi tới nhiều cơ quan chức năng tại Nghệ An xin cho bà Dung được tại ngoại để đảm bảo sức khỏe do mắc một số bệnh nền, song chưa được đồng ý. "Mong HĐXX tòa phúc thẩm xử công tâm, xem xét đầy đủ ý kiến của luật sư bào chữa", ông Thạch nói. Tại phiên toà sáng nay, bị cáo Dung tỏ vẻ khá mệt mỏi, thỉnh thoảng ho. Trong 7 luật sư đăng ký bào chữa, một người xin vắng mặt. Khi được tòa cho phát biểu về sự vắng mặt này, bà Dung khóc, nói nhờ các luật sư bào chữa trả lời thay. Do vắng một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, các luật sư của bị cáo đề nghị hoãn phiên tòa để đảm bảo tính công bằng, khách quan. Sau vài phút hội ý, HĐXX xét thấy sự vắng mặt của một số người liên quan không ảnh hưởng đến quá trình xét xử, nếu cần thiết sẽ triệu tập họ. Phiên toà tiếp tục làm việc. Bị cáo Dung tại phiên phúc thẩm sáng 12/6. Ảnh: Chụp qua màn hình Nội dung vụ án thể hiện, từ 1/10/2012 đến năm 2017, bà Dung là Bí thư chi bộ kiêm Giám đốc, chủ tài khoản của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên. Bà bị cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao nhiều lần thanh toán trái quy định để chiếm đoạt gần 45 triệu đồng (cáo buộc trước đó là 48,3 triệu đồng), gây thiệt hại cho trung tâm. Cuối tháng 4, TAND huyện Hưng Nguyên tuyên phạt bà Dung, 51 tuổi, mức án 5 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; đồng phạm Nguyễn Thị Hương, 57 tuổi, cựu kế toán Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, bị phạt 2 năm tù treo. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, bà Dung không nhận tội, cho rằng thực hiện theo quy chế chi tiêu nội bộ của trung tâm. Bà kháng cáo kêu oan. Mức án tuyên với bà Dung đã gây ra phản ứng trái chiều, nhiều người cho rằng quá nặng. Gia đình bà gửi đơn tới hơn 22 cơ quan nhà nước, khẳng định "phải bán nhà thì cũng kêu oan tới cùng". Ngày 23/5, VKSND tỉnh Nghệ An ra kháng nghị hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại do các bị cáo liên quan có thể phạm tội khác và làm rõ có gây thiệt hại 45 triệu đồng hay không. VKSND tỉnh Nghệ An nhận thấy năm 2012-2017, bà Dung đã tự kê khai để thanh toán những nội dung trái quy định, tổng số tiền 103 triệu đồng. Trong số này nhiều mục như học cao học, đi tập huấn, đi kiểm tra đã được thanh toán nhưng bà vẫn quy đổi ra tiết dạy để thanh toán "tiền thừa giờ". Đây là thanh toán trùng cho cùng một nội dung, tổng cộng 48,3 triệu đồng. Bà Dung còn trực tiếp tiếp ký duyệt cho 11 giáo viên khác để thanh toán 175 triệu đồng tiền thừa giờ. Việc này không có trong quy định. Kháng nghị của VKSND tỉnh Nghệ An cho rằng bà Dung nhiều lần chiếm đoạt tài sản từ ngân sách nhà nước dưới sự giúp sức của kế toán Hương. Bản án sơ thẩm cũng nhận định, bị cáo Dung và một số giáo viên khác đã tự kê khai quy đổi ra tiết dạy cho từng năm học. Từ đó, bà Dung ký duyệt chi thanh toán trái quy định 103 triệu đồng cho bản thân và 175 triệu đồng cho 11 giáo viên khác. Công an khám xét phòng làm việc của bà Dung, tháng 3/2022. Ảnh: Công an Nghệ An VKSND đánh giá cấp sơ thẩm "chưa xác định rõ trách nhiệm đầy đủ" của bị cáo Dung và Hương với số tiền 103 triệu đồng và 175 triệu đồng. Trong khi giám định tài chính xác định các khoản tiền trên đều gây thiệt hại cho ngân sách trung tâm. Với khoản tiền 48,3 triệu đồng, nằm trong tổng số 103 triệu đồng, tòa sơ thẩm cáo buộc bà Dung chiếm đoạt nhưng lại chưa làm rõ được hành vi làm trái công vụ. "Đặc biệt, nếu xác định có yếu tố chiếm đoạt thì lại cấu thành của tội phạm khác", kháng nghị nêu. Quá trình giải quyết vụ án, cấp sơ thẩm đã yêu cầu cơ quan giám định làm rõ một số nội dung. Tuy nhiên tất cả bản kết luận giám định, giám định bổ sung đều chưa thể hiện rõ về quy chế chi tiêu nội bộ của trung tâm do bà Dung ký từ 2012 đến 2017 "có nội dung nào trái pháp luật dẫn đến không có hiệu lực thi hành không". Đặc biệt, số liệu về thiệt hại cần chính xác và thống nhất. Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên là trường thuộc hạng 5, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đây là đơn vị sự nghiệp có thu, tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên, thực hiện chế độ tự chủ. Ngày 1/1/2012, bà Dung được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm. Bà bị bắt ngày 28/3/2022. https://vnexpress.net/toa-xet-khang-cao-keu-oan-cua-co-giao-bi-phat-5-nam-tu-4616189.html