Tổng Bí thư khẳng định việc đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng chỉ làm chùn bước những ai có động cơ không trong sáng, đã trót "nhúng chàm". Sự kiện: Thời sự Sáng 30-6, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC, đã có bài phát biểu đầy tâm huyết trước 81.000 đại biểu tham dự, về những kết quả cũng như bài học rút ra trong công tác PCTNTC. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Tham nhũng từng bước đã được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: Đ.X “Chưa bao giờ chống tham nhũng quyết liệt như gần đây” Mở đầu, Tổng Bí thư nhấn mạnh, hội nghị lần này không chỉ đơn thuần là báo cáo thành tích trong 10 năm qua, mà quan trọng hơn là từ đó rút ra cái gì, cần cải tiến thêm cái gì, để tiếp tục đẩy mạnh, làm tốt hơn nữa cuộc đấu tranh PCTNTC, trên tinh thần không ngừng, không nghỉ. “Có thể khẳng định rằng, chưa bao giờ công tác đấu tranh PCTNTC lại được thực hiện một cách mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản và hiệu quả như thời gian gần đây” – lời Tổng Bí thư. Theo đó, kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC, chúng ta đã thu được nhiều kết quả quan trọng, góp phần củng cố, nâng cao ý chí, niềm tin của nhân dân vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm cho đất nước ta ngày càng giàu mạnh, ngày càng phát triển, có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế. Tổng Bí thư bác bỏ một số ý kiến cho rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm "nhụt chí", "chùn bước" những người dám nghĩ, dám làm, làm "chậm" sự phát triển đất nước. Ngược lại, Tổng Bí thư khẳng định chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Đặc biệt, những kết quả này góp phần lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân, bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là "đấu đá nội bộ", "phe cánh". “Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng và xây dựng, làm trong sạch Đảng và bộ máy Nhà nước chỉ làm "chùn bước" những ai có động cơ không trong sáng, đã trót "nhúng chàm" và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm” – Tổng Bí thư nhấn mạnh. Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 là một hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng, bàn về những vấn đề liên quan đến "chống giặc nội xâm", giữ gìn sự trong sạch, vững mạnh của Đảng và hệ thống chính trị... - Ảnh: VGP “Nhốt” quyền lực vào “lồng” cơ chế Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Bí thư cho rằng cũng phải thẳng thắn thừa nhận công tác PCTNTC vẫn còn những hạn chế, tồn tại. Một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa có quyết tâm cao, chưa có sự chuyển biến mạnh. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế; tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp; việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ, cơ quan, đơn vị còn là khâu yếu. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, xảo quyệt, gây bức xúc trong xã hội. Từ thực tiễn công tác đấu tranh PCTNTC thời gian qua, Tổng Bí thư đánh giá có thể rút ra nhiều bài học quý, có giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn. Trong đó, tham nhũng thường diễn ra trong nội bộ, do người có chức, có quyền thực hiện. PCTN là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình; liên quan đến lợi ích, chức vụ, danh vọng, uy tín của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, phải có thái độ thật kiên quyết, không khoan nhượng và hành động thật quyết liệt, cụ thể, hiệu quả. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về những yếu kém, sai phạm về tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; bất kể ai lạm dụng, lợi dụng quyền lực để trục lợi đều phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm. “Nói phải "nhốt" quyền lực vào trong "lồng" cơ chế là với ý nghĩa như vậy” – Tổng Bí thư lưu ý. Vẫn theo Tổng Bí thư, tham nhũng là "khuyết tật bẩm sinh" của quyền lực, là một trong những nguy cơ đe doạ sự tồn vong của chế độ. Thời đại nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, không thể xoá ngay tận gốc tham nhũng trong một thời gian ngắn. Do đó, công tác đấu tranh, PCTNTC không thể chủ quan, nóng vội, thoả mãn; không được né tránh, cầm chừng; trái lại, phải rất kiên trì, không ngừng, không nghỉ…