Chiều 27-8, Thủ tướng nước Cộng hòa Singapore Lý Hiển Long đã tới Hà Nội, bắt đầu thăm chính thức Việt Nam từ ngày 27 đến 29-8 theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Chuyên cơ chở Thủ tướng nước Cộng hòa Singapore Lý Hiển Long cùng Đoàn đại biểu Singapore đã hạ cánh xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội) chiều 27-8. Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đón Thủ tướng nước Cộng hòa Singapore Lý Hiển Long tại Sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: TTXVN Đón đoàn tại sân bay có: Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt; Cục trưởng Cục Lễ tân Nhà nước, Bộ Ngoại giao Nguyễn Việt Dũng và Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng. Phía Singapore ra đón Đoàn có Đại sứ Singapore tại Việt Nam Jaya Ratnam, cùng một số cán bộ Đại sứ quán Singapore ở Hà Nội. Tháp tùng Thủ tướng nước Cộng hòa Singapore Lý Hiển Long thăm Việt Nam có: Bà Ho Ching, Phu nhân Thủ tướng; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vivian Balakrishnan; Bộ trưởng Bộ Giáo dục Chan Chun Sing; Bộ trưởng Bộ Nhân lực và Bộ trưởng thứ hai Bộ Thương mại và Công nghiệp Tan See Leng; Thứ trưởng thường trực phụ trách phát triển Bộ Thương mại và Công nghiệp Beh Swan Gin; Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Albert Chua; Đại sứ Singapore tại Việt Nam Jaya Ratnam và đại diện các bộ, ngành của Singapore. Đây là chuyến thăm thứ 5 của ông Lý Hiển Long tới Việt Nam trên cương vị Thủ tướng. Điều này cho thấy sự gần gũi, gắn kết giữa Singapore và Việt Nam. Đây cũng là chuyến thăm nằm trong một loạt sự kiện mà hai bên tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác Chiến lược giữa Việt Nam và Singapore, sau chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Singapore vào tháng 2-2023. Trong chuyến thăm lần này, Thủ tướng Lý Hiển Long sẽ dự một loạt các hoạt động, các sự kiện quan trọng thể hiện sự hợp tác toàn diện, tin cậy lẫn nhau giữa Việt Nam và Singapore. Dự kiến trong chuyến thăm, Thủ tướng Singapore sẽ hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính, có các cuộc hội kiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Lễ đón Thủ tướng nước Cộng hòa Singapore Lý Hiển Long tại Sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: TTXVN Hai Thủ tướng sẽ chứng kiến lễ ký kết một số văn kiện hợp tác, dự Hội nghị thúc đẩy triển khai thực hiện các dự án hợp tác đầu tư Việt Nam - Singapore, gặp gỡ các sinh viên tiêu biểu, đối thoại với đại biểu chương trình Đối thoại lãnh đạo trẻ Việt Nam - Singapore năm 2023 với chủ đề "Vai trò của thanh niên trong việc thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Singapore"… Thời gian qua, quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Singapore đang phát triển tốt đẹp. Gần nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân đã có chuyến thăm chính thức Singapore (8 đến 10/2/2023), với nhiều kiết quả thực chất, trong đó có việc hai bên đã ký kết thỏa thuận về lập quan hệ Đối tác Kinh tế số-kinh tế xanh, tạo tiền đề triển khai hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực kinh tế số, kinh tế xanh, tài chính xanh, mua bán năng lượng sạch, ứng phó biến đổi khí hậu… Lễ đón Thủ tướng nước Cộng hòa Singapore Lý Hiển Long tại Sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: TTXVN Quan hệ kinh tế tiếp tục phát triển. Ngay khi cơ bản kiểm soát được đại dịch COVID-19, từ tháng 3-2022, Việt Nam và Singapore đã sớm dỡ bỏ các hạn chế đi lại với nhau, nối lại đường bay thương mại. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều 9,15 tỉ USD năm 2022 (tăng 11,6% so với năm 2021), trong đó Việt Nam xuất khẩu 4,3 tỉ USD và nhập khẩu 4,8 tỉ USD. Với 3.274 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 73,5 tỉ USD, Singapore đứng đầu ASEAN và thứ 2/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Quy mô dự án bình quân là 22,4 triệu USD/dự án, cao hơn quy mô dự án bình quân chung là khoảng 12,1 triệu USD/dự án. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, Singapore là đối tác đầu tư lớn nhất của Việt Nam với 163 dự án cấp mới, 72 lượt điều chỉnh và 164 lượt góp vốn mua cổ phẩn với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3 tỉ USD. Các nhà đầu tư Singapore đã tham gia hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế của Việt Nam (18/21 ngành), chủ yếu tập trung vào công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản; sản xuất, phân phối điện, khí, điều hòa Singapore đã đầu tư tại 51/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam: TP HCM, Hà Nội, Bắc Ninh, Bình Dương, Long An, Quảng Nam... Các Khu Công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) là biểu tượng hợp tác kinh tế thành công giữa hai nươc. Từ khu VSIP đầu tiên tại Bình Dương được khởi động tháng 1-1996, đến nay đã có 14 VSIP hiện diện tại 10 tỉnh, thành phố của Việt Nam với quy mô lên khoảng 11.000 ha. Các VSIP đã đi vào hoạt động với tỉ lệ lấp đầy cao (khoảng 83,2%), thu hút được 18,7 tỉ USD tổng vốn đầu tư cho khoảng 866 dự án, tạo việc làm cho hơn 300.000 lao động. Ở chiều ngược lại, Việt Nam hiện có 153 dự án đầu tư sang Singapore còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 690 triệu USD (đứng thứ 10/80 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư của Việt Nam), tập trung vào lĩnh vực khoa học công nghệ; bán buôn bán lẻ; thông tin truyền thông; bất động sản, công nghiệp chế biến, chế tạo… Về giao thông vận tải, Singapore là một trong những thị trường hàng không có tầm quan trọng đặc biệt với Việt Nam với dung lượng hành khách đến Việt Nam đứng thứ 6 (theo số liệu năm 2019). Hiện nay các hãng hàng không Việt Nam-Singapore đã cơ bản khôi phục chuyến bay thương mại thường lệ chở khách giữa hai nước. Nguồn: https://nld.com.vn/chinh-tri/thu-tu...i-bat-dau-tham-viet-nam-20230827181837388.htm