TP HCM - Năm 2020, khi lương tối thiểu tăng 5%, chi phí nhân công của May Nhà Bè với 15.000 lao động, đã đội lên cả trăm tỷ đồng mỗi năm, nên rất e ngại lần tăng tới. Sau hai năm hoãn tăng lương tối thiểu vùng, mới đây Hội đồng Tiền lương quốc gia họp phiên đầu tiên về đàm phán lương tối thiểu vùng. Mức tăng cụ thể chưa được công bố song các bên đã tính tới thời điểm điều chỉnh: từ tháng 7 năm nay hoặc đầu năm 2023. Theo thông lệ, phương án và thời điểm tăng lương thường chốt vào phiên họp thứ ba, nhanh nhất vào phiên thứ hai, khi các bên tìm được tiếng nói chung. Triệu đồngLương tối thiểu vùng từ năm 2012 đến nayVùng IVùng IIVùng IIIVùng IVTrung bình201220132014201520162017201820192020012345VnExpress2017● Trung bình: 3.13 Theo tính toán của Tổng công ty May Nhà Bè, nếu lương tối thiểu vùng tăng 5% thì tổng chi phí dành cho lao động sẽ tăng ít nhất 10%, bao gồm các khoản: Tăng lương căn bản cho tất cả người lao động, tiền trích đóng các khoản bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, kinh phí công đoàn và lương tăng ca. Bà Huỳnh Thị Hồng Cúc, Chủ tịch công đoàn May Nhà Bè, ví dụ kỳ điều chỉnh năm 2020, tiền lương tối thiểu vùng I (Hà Nội, TP HCM...) tăng từ 4,18 triệu đồng lên 4,42 triệu đồng (tăng 240.000 đồng). Do đó công nhân bậc 1, thấp nhất trong hệ thống 8 bậc của nhà máy, lương căn bản tăng từ hơn 4,7 triệu đồng lên gần 5 triệu đồng. Ngoài ra, thu nhập từ làm thêm giờ của công nhân tăng từ khoảng 885.000 đồng lên hơn 936.000 đồng; tiền trích đóng các khoản bảo hiểm xã hội từ hơn 495.000 đồng lên hơn 524.000 đồng. Chỉ với 2.500 công nhân bậc 1, chi phí trong năm của nhà máy đội lên khoảng 11,5 tỷ đồng, trong đó quỹ lương hơn 9,6 tỷ đồng và quỹ bảo hiểm xã hội 1,7 tỷ đồng. Tổng công ty May Nhà Bè có hơn 15.000 lao động khắp tỉnh thành, với 8 bậc lương căn bản, mỗi bậc hơn nhau 5%, vốn đã cao hơn lương tối thiểu. Tuy nhiên khi nhà nước điều chỉnh lương, doanh nghiệp phải tăng đồng loạt. Do đó, quỹ lương hàng năm đội lên cả trăm tỷ đồng. Công nhân May Nhà Bè trong giờ sản xuất. Ảnh: An Phương "Áp lực của nhà máy nằm ở chỗ này", bà Cúc lý giải. Nếu chiếu theo quy định doanh nghiệp chỉ cần tăng cho nhóm lao động nhận lương dưới mức tối thiểu. Nhưng làm như vậy, các công nhân ở nhóm bậc thợ cao, có tay nghề sẽ phản ứng vì thiệt thòi. Ông Đào Quốc Cường, Giám đốc hành chính Công ty TNHH Juki Việt Nam ở Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7), nói trong năm nay mức tăng bao nhiêu cũng là áp lực lớn với tài chính nhà máy vì khó xoay được nguồn. Đầu năm 2022, đơn hàng của nhà máy ổn định, sản xuất phục hồi nhưng chưa đủ bù khoản lỗ của năm ngoái do hoạt động ngưng trệ, chi phí phát sinh y tế, phòng dịch quá lớn. Tại Juki, ngoài tăng lương khi nhà nước điều chỉnh mức tối thiểu, nhà máy còn nâng lương theo bậc ABC với mức tăng từ 1-8%. Ví dụ, năm 2020, lương tối thiểu vùng I tăng 240.000 đồng, 1.200 lao động của nhà máy đều được tăng đồng loạt số tiền tương ứng dù không có công nhân nào nhận lương dưới mức tối thiểu. Cùng lúc đó, nhà máy đánh giá lại lao động để thêm phần lương xếp loại. Hai khoản này được đưa vào lương căn bản, làm cơ sở đóng bảo hiểm xã hội, tiền làm thêm giờ, thưởng Tết... Nếu mỗi lao động tăng trung bình 500.000 đồng, quỹ lương mỗi tháng đội lên 600 triệu đồng, một năm hơn 7,2 tỷ đồng. Ông Cường cho hay về lý thuyết, công ty không cần tăng cho những lao động đang nhận lương cao hơn mức tối thiểu nhưng thực tế làm vậy sẽ mất hết lao động. "Công nhân sẽ bất mãn, không làm việc, sản xuất trì trệ, thiệt hại còn lớn hơn. Nhà máy buộc phải tăng lương sau đó tìm cách xoay xở", ông Cường nói. Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động, khi lương tối thiểu tăng, doanh nghiệp có ba cách điều chỉnh lương. Cách thứ nhất, chỉ tăng lương căn bản cho các lao động có mức thấp hơn tối thiểu. Tuy nhiên cách này sẽ làm giảm khoảng cách lương giữa các nhóm lao động, có thể khiến công nhân lâu năm cảm thấy không công bằng. Cách thứ hai, tăng lương căn bản cho mọi lao động với cùng tỷ lệ. Với doanh nghiệp trả lương thời gian, đây sẽ là mức tăng "khủng" cho quỹ lương. Còn với doanh nghiệp trả lương sản phẩm, sẽ chỉ tác động đến phần đóng bảo hiểm xã hội, công đoàn phí. Cách cuối cùng, các công ty không điều chỉnh vì đã cao hơn mức tối thiểu. Đây được xem là phương án tốt nhất để không bị động trước việc tăng lương tối thiểu hàng năm. Công nhân nhà máy Juki trong giờ sản xuất. Ảnh: An Phương Bà Nguyễn Võ Minh Thư, Phó ban quản lý các khu chế xuất – công nghiệp TP HCM, cho rằng phần lớn doanh nghiệp chọn cách thứ hai, tức tăng lương căn bản cho tất cả lao động khi nhà nước điều chỉnh mức tối thiểu. Do đó, nếu lương tối thiểu tăng 5%, quỹ lương của nhà máy sẽ tăng tương ứng, chưa kể các khoản trích nộp bảo hiểm xã hội, tăng ca, thưởng Tết... cũng tăng theo. Theo ông Trương Tiến Dũng, Phó chủ tịch Hội Lương thực và Thực phẩm TP HCM, để đảm bảo quỹ lương, các nhà máy phải tăng đơn giá. Việc này làm giá thành sản phẩm tăng lên, góp phần đẩy chỉ số giá tiêu dùng lên cao, gia tăng lạm phát. Trường hợp doanh nghiệp không thể tăng ngay giá thành sẽ tìm cách cắt giảm lao động. Đặc biệt khi Quốc hội vừa thông qua nghị quyết tăng giờ làm thêm, nhà máy tận dụng tối đa, giảm bớt đầu lương để giảm chi phí. Trong khi đó, TS Nguyễn Việt Cường, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong, cho hay tăng lương tối thiểu chỉ ảnh hưởng trực tiếp chi phí của doanh nghiệp trong ngắn hạn. Theo thời gian, doanh nghiệp có thể điều chỉnh được. Ngay cả trong ngắn hạn, tăng lương tối thiểu chỉ tác động phần lương căn bản mà không phải tăng các khoản phụ cấp hay tổng thu nhập người lao động. Theo ông Cường, để đối phó với việc tăng lương, doanh nghiệp có xu hướng giảm giờ làm để đảm bảo tổng chi phí dành cho lao động không đổi. "Giảm giờ làm nhưng lương không đổi tức năng suất lao động tăng lên. Đó cũng là tác động tích cực của tăng lương tối thiểu lên nền kinh tế", ông Cường nói. Ngoài ra, tăng lương tối thiểu đặc biệt ý nghĩa với những lao động lương thấp, bị Covid-19 tác động tiêu cực. Năm 2020, số lượng lao động nhận lương dưới mức tối thiểu đã tăng lên đáng kể. Cụ thể, tỷ lệ lao động thu nhập dưới mức lương tối thiểu tăng từ 5% năm 2019 lên tới 7,8% vào năm 2020. Với nhóm này, thu nhập của họ không đủ khả năng chi trả mức sống tối thiểu. Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong nói Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như ưu đãi vay vốn, giảm thuế thì cần tăng lương tối thiểu để bù đắp kịp thời trượt giá, chia sẻ với nhóm lao động yếu thế, nằm dưới đáy của thị trường lao động. Lê Tuyết