Từ một tuyến đường đất, Đại lộ Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức) giờ được xem là đường nội đô đẹp nhất TP.HCM. Không chỉ đẹp, tuyến đường Phạm Văn Đồng còn ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế, kết nối giao thương khu vực cửa ngõ Đông Bắc của thành phố. Có đường đẹp, lại hết kẹt xe Đường Phạm Văn Đồng là trục đường hướng tâm quan trọng ở cửa ngõ Đông Bắc của thành phố, nối từ sân bay Tân Sơn Nhất đi qua quận Tân Bình, Bình Thạnh, Gò Vấp, TP Thủ Đức Một ngày cuối tháng 11, giữa cái nắng chói chang, phương tiện di chuyển trên Đại lộ Phạm Văn Đồng đông như mắc cửi, nhưng không xảy ra ùn tắc. Mặt đường rất rộng rãi, thông thoáng, gồm từ 8-12 làn xe theo cả 2 chiều. Giữa dải phân cách làn đường còn được trồng cây xanh, hoa giấy, điểm xuyết cho cả con đường trở nên rực rỡ. Hai bên nhà cửa được quy hoạch khá đẹp. Vỉa hè và lối dành cho người đi bộ thoáng đãng. Toàn tuyến đường còn có 8 cầu đi bộ bắc ngang, mỗi cầu đều được trồng hoa tạo điểm nhấn. Tuyến đường hoàn thành đã giúp giảm ùn tắc giao thông cho khu vực nội thành và cửa ngõ Đông Bắc của TP.HCM, đồng thời tạo động lực cho sự phát triển kinh tế cũng như chỉnh trang đô thị, cải tạo môi trường. Đến nay, chất lượng thi công nhiều gói thầu thuộc dự án được đánh giá cao, đem lại bộ mặt mới cho đô thị cũng như tăng tính kết nối đồng bộ giao thông của TP. Ông Nguyễn Văn Tám, nguyên Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM Ngồi ghế đá trước cửa nhà nhìn dòng xe cộ đi lại, bà Nguyễn Thanh Minh, 65 tuổi ở số nhà 26/2 đường Phạm Văn Đồng, quận Gò Vấp chỉ tay dãy nhà trước mặt chia sẻ: “Cả khu phố này chỉ có nhà tôi và 2 nhà nữa không thuộc diện bị giải tỏa. Do nhà sâu nằm trong hẻm nên diện tích nhà vẫn còn nguyên. Tôi sống 53 năm ở đây, chứng kiến con đường này từ ngày là đường đất, đường nhỏ, xe cộ đi lại khó khăn, giờ thành đại lộ đẹp nhất thành phố, lòng cũng vui theo!”. Theo bà Minh, khi chưa làm đường cả dãy nhà phường 3 ở trong hẻm, khi đường mở rộng ra, những nhà trong hẻm lại thành mặt tiền, buôn bán tốt hơn, cuộc sống khá hơn. Cũng là một trong số gia đình hiếm hoi không thuộc diện giải tỏa khi làm đường, ông Phạm Văn Sáng, nhà giáp vòng xoay đường Phạm Văn Đồng - Nguyễn Thái Sơn chia sẻ: “Nhà tôi may mắn không thuộc diện giải tỏa, còn với những nhà bị giải tỏa thì nhà chỉ còn một ít hoặc phải tái định cư. Có nhiều nhà đang ở mặt tiền buôn bán làm ăn, khi làm đường bị giải tỏa trắng, họ phải chuyển đi. Ai cũng thấy bất tiện, nhưng đều vì cái chung, để thành phố có một tuyến đường đẹp như hôm nay”. Theo ông Sáng, trước đây khi đi đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài người dân phải chen lấn qua cầu Bình Lợi nhỏ hẹp, luôn kẹt xe rất khổ sở. Nay đường đã rất khang trang, cầu thênh thang, xe cộ đi lại bon bon. Nhớ về những ngày đường còn chưa xong bụi mù mịt, đường sá ngổn ngang, ông Lê Văn Huy, nhà trên đường Phạm Văn Đồng cho biết: “Công trình hồi đó thi công khá lâu, do việc đền bù cho người dân bị kéo dài. Từ khi có con đường này, không còn kẹt xe như trước, ra sân bay rất thuận tiện”. Nắn đường để giảm tiền đền bù Đường Phạm Văn Đồng có 12 làn xe, rộng rãi thông thoáng, không xảy ra kẹt xe Tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (toàn bộ tuyến đường dài gần 14km) là dự án đầu tiên tại Việt Nam do Công ty GS E&C (Hàn Quốc) đầu tư xây dựng theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Ngay sau lễ khánh thành, UBND TP.HCM đã quyết định đặt tên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho tuyến đường này. Để triển khai dự án, TP.HCM đã phải giải tỏa gần 4.000 hộ dân với diện tích ảnh hưởng 62,53ha, di dời hơn 42 công trình hạ tầng kỹ thuật. Chi phí xây dựng của dự án hơn 2.900 tỷ đồng. Riêng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng hơn gấp đôi, khoảng 7.500 tỷ đồng. Dự án được khởi công ngày 9/6/2008 và hoàn thành vào tháng 8/2016. Để hoàn thành dự án là cả một quá trình gian nan của thành phố và chủ đầu tư lúc bấy giờ. Đại diện Công ty GS E&C (chủ đầu tư) khi đó từng chia sẻ, dự án đã gặp vô số “chướng ngại vật” bởi các phương án điều chỉnh hướng tuyến, giảm lộ giới, thu hồi đất, chậm bàn giao mặt bằng, đất nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, vướng công trình điện nước, nhà ga đường sắt, hào kỹ thuật chưa thống nhất phương án… khiến dự án bị chậm tiến độ. Ông Trần Quang Phượng, nguyên giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, những vấn đề người dân vướng mắc nhiều nhất là tuyến đường vành đai nối dài với đường Bạch Đằng tới vòng xoay Trường Sơn có lộ giới 60m theo bản đồ quy hoạch giao thông được UBND TP duyệt năm 1999 (đi qua tổ dân phố 82, 89 phường 2, quận Tân Bình). Theo ông Phượng, đến khi triển khai dự án này, thành phố đã tổ chức nhiều cuộc họp với các sở, ngành. Cuối cùng đã đi đến chốt phương án giảm lộ giới xuống còn 20m để phù hợp với thực tế. Giải tỏa lộ giới 60m trên đường Bạch Đằng thì tiền đền bù giải tỏa của toàn dự án sẽ từ khoảng 7.500 tỷ đồng tăng lên 11.000 tỷ đồng. Do đó, TP đã “nắn” tuyến đường để giảm đền bù giải tỏa. Tuy nhiên, người dân vẫn không chấp thuận thay đổi hướng tuyến vì bà con cho rằng, quyết định của Thủ tướng Chính phủ năm 1997 đã chấp thuận lộ giới 60m, đến thời điểm đó vẫn chưa có quyết định nào bãi bỏ hoặc thay thế. Ông Nguyễn Văn Tám, nguyên Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, dự án mất hơn 8 năm mới hoàn thành do gặp khó khăn về công tác GPMB. Do có những hộ dân khiếu nại về chính sách đền bù và quy hoạch hướng tuyến, việc quyết toán giữa thành phố với chủ đầu tư chưa đạt được sự đồng thuận. “Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, những khó khăn vướng mắc đã từng bước tháo gỡ, dự án cuối cùng cũng hoàn thành. Ngày thông xe toàn tuyến có rất nhiều người dân đã đến dự lễ từ sớm. Có người còn đạp xe, chạy bộ từ công viên Gia Định đến cầu Bình Lợi để cảm nhận sự hoành tráng, thênh thang của tuyến đường đẹp nhất thành phố này”, ông Tám nhớ lại. Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/tu-duong-dat-den-dai-lo-dep-nhat-tphcm-d573470.html