Người điều khiển ô tô phải kiểm tra xem mình đã đi đúng chưa và việc va chạm có phải là bất khả kháng không. Khoảng 22 giờ ngày 5/2, tài xế T.Q.T. (30 tuổi, ở Trà Vinh) điều khiển xe tải di chuyển trên cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Trung Lương theo hướng miền Tây – TP.Hồ Chí Minh. Khi đi đến xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, Long An, xe tải này đã va chạm với xe máy do ông T.H.V (61 tuổi, ở Cà Mau) điều khiển chạy ngược chiều tại làn đường dành cho xe ô tô. Hậu quả, xe máy bị cán qua nát bét, văng ra thành nhiều mảnh vụn nhỏ, ông V. tử vong tại chỗ. Sau khi vụ tai nạn xảy ra, nhiều người thắc mắc, trong vụ tai nạn này ai là người phải có trách nhiệm bồi thường? Người điều khiển ô tô có phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại? Hiện trường vụ tai nạn Trao đổi về thắc mắc của độc giả, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng văn phòng luật sư Trung Hoa - Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết, theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, đường cao tốc là đường dành cho xe cơ giới (ô tô con, ô tô tải, xe đầu kéo…), có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác; được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định. Theo luật sư Tùng, những người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo, xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70km/h…tuyệt đối không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc. Luật sư Tùng phân tích thêm, người điều khiển xe máy chạy lên đường cao tốc và va chạm với xe ô tô lưu thông ngược chiều sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi lưu thông sai trên đường cao tốc. Về mức xử phạt, Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (Nghị định 100/2019/NĐ-CP), sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định, người điều khiển xe máy đi vào đường cao tốc sẽ bị xử phạt từ 2.000.000 đến 3.000.000 đồng. Với lỗi vi phạm trên mà gây tai nạn giao thông, ngoài phạt tiền, người điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 3 đến 5 tháng về hành vi đi xe máy vào làn cao tốc. Về việc phải bồi thường trong vụ tai nạn trên, luật sư Tùng cho hay, theo quy định của Bộ luật Dân sự tại khoản 3 điều 601: Chủ sở hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ (chiếc xe ô tô gây tai nạn) có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; hoặc thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng; tình thế cấp thiết. Theo luật sư Tùng, đầu tiên cơ quan chức năng, người điều khiển ô tô phải kiểm tra xem mình đã đi đúng tốc độ, đúng làn đường và việc va chạm với xe máy có phải là bất khả kháng hay không. "Nếu tai nạn xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người điều khiển xe máy dẫn đến việc va chạm là điều bất khả kháng, mà người lái ô tô không thể lường trước được thì người lái ô tô không phải bồi thường thiệt hại, bởi lỗi này là do người chạy xe máy tự gây ra", luật sư Tùng nói và cho biết, ngược lại, người điều khiển xe máy còn phải bồi thường thiệt hại cho chủ của chiếc xe ô tô nếu có thiệt hại xảy ra và chủ của chiếc xe ô tô yêu cầu bồi thường. “Trong trường hợp tai nạn trên, ông T. đã vi phạm luật giao thông đường bộ và sẽ bị xử phạt theo quy định”, luật sư Tùng nói. Luật sư Tùng cũng nhận định, thực tế những vụ tai nạn giao thông như trên hiện vẫn diễn ra. Do đó nếu rủi ro xảy ra, các bên cần bình tĩnh giải quyết. “Tai nạn xảy ra là điều không ai mong muốn. Người điều khiển ô tô nên khéo léo xử lý tình huống để vụ việc được hòa giải. Kể cả trường hợp tai nạn xảy ra hoàn toàn do lỗi người lái xe máy, thì người điều khiển ô tô cũng nên thăm hỏi gia đình nạn nhân để vụ việc nhanh chóng được giải quyết”, luật sư Tùng lưu ý. Đồng quan điểm với luật sư Tùng, luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý), cho rằng, trong vụ tai nạn trên, nếu người điều khiển ô tô tuân thủ đúng các quy tắc giao thông đường bộ (không có lỗi) thì sẽ không phải bồi thường cho nạn nhân. Về trách nhiệm dân sự, nếu người phạm tội còn sống, người đó có nghĩa vụ bồi thường mọi tổn thất do hành vi của mình gây ra như chi phí hư tổn xe, chi phí những ngày xe không hoạt động phải thay thế xe khác. Trường hợp này người gây ra tai nạn đã chết nên nếu người đó có tài sản để lại, những người thừa kế của người phạm tội có trách nhiệm sử dụng tài sản đó để bồi thường. Theo luật sư Kiên, Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ: “Những người thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Do đó, nếu người gây ra thiệt hại đã chết thì trách nhiệm bồi thường sẽ do những người thừa kế của người đó thực hiện. Nguồn: https://vietnamdaily.trithuccuocson...u-tren-cao-toc-ai-phai-boi-thuong-163258.html