Từ khi Instagram thay đổi thuật toán ưu tiên các video và nội dung được đề xuất, những tài khoản sở hữu hàng trăm nghìn lượt theo dõi mất tương tác với người dùng. Instagram là mạng xã hội được truy cập nhiều thứ hai sau Facebook. Theo một báo cáo về lượng tương tác trên Instagram năm 2022, có hơn một tỷ người dùng hoạt động hàng tháng và hơn 500 triệu stories (câu chuyện) được chia sẻ hàng ngày trên Instagram. Khoảng 59% người dùng truy cập Instagram hàng ngày và dành ít nhất 7 giờ mỗi tuần để lướt các nội dung, đồng thời tương tác với bạn bè và các thương hiệu. Mỗi tháng, có 130 triệu người dùng Instagram tương tác với các nội dung bán hàng. Instagram cho phép người dùng quảng bá thương hiệu và sản phẩm của mình một cách thân thiện, chân thực mà không gây khó khăn cho khách hàng. Sau khi mất công việc trong ngành xây dựng do đại dịch, Kaitlin Tokar đã quyết định thử kinh doanh đồ nội thất và đồ gia dụng đã qua sử dụng trên Instagram. Hơn 1 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng trên Instagram. Ảnh: NAAS Digital “Mọi việc thuận lợi hơn tôi tưởng nhiều”, Tokar nói. Tài khoản mang tên Midnight Tokar Vintage của cô thu hút được gần 6.000 người theo dõi kể từ khi ra mắt vào tháng 9/2020. Ngay sau đó, Kaitlin đã lập một tài khoản khác tập trung vào quần áo second-hand. Tokar, một bà mẹ đơn thân 30 tuổi ở New York, đã biến cửa hàng Instagram trở thành nguồn thu nhập toàn thời gian của mình cách đây khoảng một năm. Mất tương tác Nhưng gần đây, các bài đăng của Tokar không tiếp cận được nhiều người theo dõi và khách quen, do đó các mặt hàng bán chậm hơn nhiều. Cô cho rằng vấn đề này có khả năng liên quan đến những thay đổi mà Instagram đưa ra gần đây. “Không ai nhìn thấy bài đăng của tôi cả. Phải đến mấy tháng sau khi đăng lên một mặt hàng nào đó, tôi mới nhận được tin nhắn kiểu như “Sao thế này? Tôi chưa thấy bài này đăng bao giờ cả”, Tokar chia sẻ. Tình trạng này không chỉ xảy ra với riêng Tokar. Khi Instagram ngày càng ưu tiên các video và bài đăng được đề xuất trong nguồn cấp dữ liệu của người dùng nhằm bắt kịp đối thủ TikTok, một số doanh nghiệp nhỏ được xây dựng trên nền tảng này đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận người theo dõi và đối mặt với tình trạng giảm mức độ tương tác. Lo lắng về tương lai của doanh nghiệp của mình, một số chủ doanh nghiệp nhỏ đã cùng các người dùng khác ký một bản kiến nghị trên Change.org, kêu gọi trả Instagram về trạng thái ban đầu. Bản kiến nghị đã thu về hơn 300.000 chữ ký kể từ khi được đưa ra vào tháng trước. Rất nhiều người khác bày tỏ mối quan ngại về vấn đề này qua các bài đăng và stories trên Instagram. Bản kiến nghị đưa Instagram trở về trạng thái ban đầu trên Change.org. Ảnh: Moneyhaat News “Tôi vẫn có một lượng khách hàng trung thành, nhưng cách mà Instagram đang thay đổi khiến tôi cảm thấy nó không còn bền vững nữa. Tôi cảm thấy việc làm ăn của tôi sẽ không khá lên được”, Liz Gross, chủ tài khoản bán đồ second-hand Xtabay Vintage, cho biết. Gross cho biết, 98% mặt hàng của cô được bán trên nền tảng này sau khi cửa hàng truyền thống của cô đóng cửa do đại dịch. Kiến nghị Mối lo của các chủ doanh nghiệp nhỏ đã góp phần tạo nên một làn sóng phản ứng dữ dội trước những thay đổi của Instagram. Họ cho rằng những thay đổi này khiến Instagram không còn đơn thuần chỉ là một ứng dụng chia sẻ hình ảnh, đồng thời khiến họ khó kết nối với cộng đồng khách hàng mà họ đã dành nhiều năm xây dựng trên nền tảng này. Nhiều người dùng phàn nàn rằng thay vì nhìn thấy các bài đăng của bạn bè, giờ đây họ thường thấy các bài đăng, quảng cáo và reels (các video ngắn tương tự như trên TikTok) được đề xuất, không cần biết họ có quan tâm đến chúng hay không. Đại diện Instagram nói rằng họ sẽ tạm thời đưa một số tính năng mới cập nhật trở lại như cũ sau khi gặp phải làn sóng phản đối vào tháng trước, bao gồm cả những người có tầm ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội như Kylie Jenner (361 triệu lượt theo dõi) và Kim Kardashian (326 triệu lượt theo dõi). Instagram cho biết họ sẽ tạm dừng tùy chọn toàn màn hình, và sẽ hạn chế số bài đăng được đề xuất trong nguồn cấp dữ liệu của người dùng cho đến khi họ cải thiện được thuật toán dự đoán mọi người muốn xem gì. Tuy nhiên, Instagram vẫn sẽ tập trung vào các video và bài đăng được đề xuất trong tương lai, theo Adam Mosseri, người đứng đầu Instagram. Theo ông Mosseri, việc chuyển hướng sang nội dung được đề xuất nhằm giúp người dùng khám phá những điều mà trước đó họ không quan tâm. Tuy nhiên, một số chủ doanh nghiệp nói rằng điều quan trọng nhất đối với họ là bài đăng của mình tiếp cận được những người theo dõi tài khoản của họ. Liz Sickinger, chủ sở hữu của Six Vintage Rugs, cho biết, việc kinh doanh và lượng người theo dõi tài khoản của cô đã chậm lại kể từ khi Instagram thay đổi thuật toán ưu tiên các video và nội dung được đề xuất. “Có người nhắn tin hỏi tôi là dạo này có bán hàng nữa không, vì họ không thấy bài đăng nào của tôi cả”, Liz Gross cho biết. Mỗi ngày cô đăng rất nhiều bài để phục vụ cho hơn 166.000 người theo dõi tài khoản của cô. “Chỉ có một phần rất, rất nhỏ những người theo dõi nhìn thấy bài đăng của tôi”, cô nói. Ông Adam Mosseri, Giám đốc Điều hành Instagram. Ảnh: Forbes Việc xác định chính xác lý do tại sao phạm vi tiếp cận của các bài đăng dao động trên bất kỳ nền tảng nào là một vấn đề nan giải. Instagram cung cấp cho người dùng chuyên nghiệp như doanh nghiệp và các nhà sáng tạo khác một bảng theo dõi các bài đăng của mình, bao gồm cả số lượng tài khoản xem và tương tác với các bài đăng đó. Nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ cũng bày tỏ sự thất vọng vì nền tảng chuyển sang tập trung vào video, và nghĩ rằng họ cũng phải tạo video hoặc reels để bài đăng của họ được nhìn thấy, cho dù định dạng có phù hợp với sản phẩm của họ hay không. “Việc tạo những nội dung như thế ngốn rất nhiều thời gian, nhất là khi mới bắt đầu. Tôi phải dành hàng giờ để tìm kiếm, chụp ảnh, liệt kê, nghiên cứu, dọn dẹp rồi giao hàng nữa, mất cả ngày trời rồi”, Tokar nói. Chủ tài khoản có thể trả tiền để các bài đăng hiển thị dưới dạng “được tài trợ” trong nguồn cấp dữ liệu của nhiều người dùng hơn. Nhiều chủ doanh nghiệp cho rằng đây là cách duy nhất để đảm bảo mức độ tương tác với hình ảnh tĩnh. Sickinger cho biết, cô phải chi gấp đôi tiền quảng cáo trong năm vừa qua vì “phạm vi tiếp cận không phải trả tiền” không còn nữa. Khó từ bỏ Với phạm vi tiếp cận to lớn của Instagram, cả người dùng và doanh nghiệp đều thấy khó từ bỏ ứng dụng này. Tuy nhiên, một số chủ doanh nghiệp cho biết, họ đang xem xét mở rộng sang các nền tảng khác. Tokar cho biết, cô đã bắt đầu tiến hành bán hàng thông qua sàn thương mại điện tử khác như Depop và Etsy, và giờ thu nhập của cô không còn phụ thuộc duy nhất vào cửa hàng trên Instagram nữa. Trong khi đó, Sickinger nói rằng may mắn là cô có thể tiếp cận với khách hàng thường xuyên của mình thông qua email. Tuy nhiên, không có cách nào để chuyển lượt theo dõi trên Instagram sang các nền tảng khác. Bên cạnh đó, các nền tảng khác cũng thường tính phí và có chính sách bán hàng phức tạp hơn trên Instagram. “Tôi mất ăn mất ngủ vì không biết làm cách nào khác để tiếp cận khách hàng”, Gross nói. “Tôi có thể đăng trên Twitter, nhưng tính năng chia sẻ hình ảnh luôn là một ưu điểm của Instagram. Nếu tính năng này mất đi, việc kinh doanh của tôi sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ”, cô chia sẻ. Người dùng có thể dễ dàng mua sắm trên Instagram. Ảnh: Business Insider Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/nguoi-ban-hang-mat-an-mat-ngu-vi-vo-hinh-tren-instagram-a565967.html