Với biến động mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2022, khối tài sản của các tỷ phú USD Việt Nam cũng ghi nhận giảm mạnh với hơn 8 tỷ USD. Đầu tháng 4, khi Forbes công bố danh sách tỷ phú thế giới 2022, lần đầu tiên, Việt Nam có 7 tỷ phú USD trong danh sách với sự xuất hiện mới nhất của ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch Nova Group. Trong khi đó, 6 cái tên quen thuộc còn lại gồm Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang. Tuy nhiên, những biến động mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian qua khiến khối tài sản ròng của các tỷ phú USD Việt Nam giảm mạnh. Khối tài sản của các tỷ phú USD Việt Nam giảm mạnh bởi đà giảm của thị trường chứng khoán Tính đến kết phiên giao dịch ngày 30/12, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng vẫn dẫn đầu danh sách người giàu nhất Việt Nam với khối tài sản ròng 4,1 tỷ USD. Dù vậy, so với giá trị tài sản ròng ước tính hồi đầu năm khoảng 6,2 tỷ USD, vị tỷ phú người Hà Tĩnh đã mất tới 2,1 tỷ USD, tương đương mức giảm ròng gần 34% tài sản trong năm nay. Cùng với đó, kết thúc năm 2022, số tỷ phú USD Việt Nam cũng giảm 1 người khi ông Bùi Thành Nhơn đã rời khỏi danh sách những người giàu nhất thế giới của Forbes từ giữa tháng 11 khi giá cổ phiếu NVL (Novaland) liên tục giảm mạnh, kéo khối tài sản ròng của ông Nhơn xuống dưới mốc 1 tỷ USD. Hồi đầu năm, vị lãnh đạo Nova Group này từng được ước tính sở hữu khối tài sản ròng lên tới 2,9 tỷ USD và là người giàu thứ 4 tại Việt Nam. Tính đến ngày 10/11, tài sản ròng của Chủ tịch Nova Group chỉ còn 978,2 triệu USD. Sau khi mất vị trí tỷ phú, Forbes đã dừng cập nhật tài sản của ông Nhơn. Ước tính, tài sản của vị đại gia này đã giảm sâu hơn nhiều so với lần cập nhật gần nhất khi kết thúc năm 2022, NVL đóng cửa ở mức giá 14.000 đồng/cổ phiếu, giảm xấp xỉ 70% so với thời điểm Forbes cập nhật số liệu lần cuối vào ngày 10/11. Bên cạnh đó, ông Nhơn và doanh doanh nghiệp liên quan đã bị công ty chứng khoán bán giải chấp hàng chục triệu cổ phiếu trong chuỗi giảm mạnh của cổ phiếu NVL khiến tỷ lệ sở hữu cổ phiếu tại doanh nghiệp địa ốc này giảm đáng kể. Ngoài ông Nhơn, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát - ông Trần Đình Long cũng từng có thời điểm rời danh sách tỷ phú khi tài sản ròng rơi xuống dưới mốc tỷ USD. Theo đó, ngày 9/11, tài sản của ông Long từng giảm xuống còn 958 triệu USD, giảm 70% so với con số 3,2 tỷ USD ghi nhận hồi đầu năm. Nhờ đà phục hồi của cổ phiếu HPG, Chủ tịch Trần Đình Long đã sớm trở lại danh sách tỷ phú USD của Forbes chỉ sau 1 tuần. Kết thúc năm 2022, doanh nhân người Hải Dương sở hữu khối tài sản 1,5 tỷ USD, tương đương mức giảm ròng 1,7 tỷ USD (giảm hơn 53% so với đầu năm). Diễn biến tương tự cũng ghi nhận với các tỷ phú USD còn lại của Việt Nam là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang, ông Trần Bá Dương và gia đình với giá trị tài sản giảm hàng trăm triệu USD từ đầu năm đến nay. Trong đó, vị nữ CEO Vietjet Air hiện sở hữu 2,3 tỷ USD tài sản ròng, giảm 800 triệu USD (-25%) so với đầu năm; Chủ tịch Techcombank sở hữu 1,6 tỷ USD, giảm 700 triệu USD (-30%); Chủ tịch Masan hiện nắm 1,4 tỷ USD, giảm 500 triệu USD (26%). Tài sản của tỷ phú Trần Bá Dương và gia đình có mức biến động thấp nhất. Chủ tịch Thaco hiện nắm 1,5 tỷ USD, giảm 100 triệu USD (-7%) so với con số 1,6 tỷ USD ước tính hồi đầu năm. Như vậy, trong chưa đầy một năm gần nhất, 7 tỷ phú USD của Việt Nam đã mất hơn 8 tỷ USD. Hiện tổng tài sản của 6 tỷ phú USD còn lại trong danh sách là 12,4 tỷ USD. Nguồn: https://arttimes.vn/kinh-te/ket-thu...t-nam-con-so-huu-bao-nhieu-tien-c6a20407.html