Gần 209.000 lao động chọn rút bảo hiểm xã hội một lần trong ba tháng đầu năm, theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Trong đó, riêng TP HCM có hơn 37.000 người nộp hồ sơ nhận trợ cấp một lần, tăng khoảng 19% so với cùng kỳ. Lao động chọn rút bảo hiểm một lần nhiều nhất ở TP Thủ Đức, quận 12, Bình Tân, Hóc Môn, Bình Chánh... khiến cơ quan bảo hiểm quá tải. Tính hết tháng 3/2022, lao động rút bảo hiểm xã hội một lần trên cả nước tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Những lao động này về già sẽ không có lương hưu hoặc hưởng mức thấp, không đảm bảo cuộc sống, không được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. "Đây là thực trạng đáng lo ngại, tác động trực tiếp tới quyền lợi lao động và ảnh hưởng an sinh khi dân số Việt Nam đang bắt đầu già hoá", Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhận định. Lao động mệt mỏi vì phải xếp hàng từ rạng sáng chờ nộp hồ sơ rút BHXH một lần tại cơ quan Bảo hiểm xã hội TP Thủ Đức, TP HCM, tháng 4/2022. Ảnh: Đình Văn Vì vậy, cơ quan này khuyến nghị người lao động không chọn rút bảo hiểm xã hội một lần, nên bảo lưu thời gian đóng hoặc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho đủ số năm còn thiếu để hưởng lương hưu, được cấp thẻ bảo hiểm y tế với mức hưởng 95% khi đi khám bệnh. Từ năm 2016 đến 2020 có trên 3,7 triệu người chọn hưởng chính sách bảo hiểm xã hội một lần; mỗi năm trung bình gần 750.000 người rời khỏi hệ thống, chiếm trên 5% tổng số người tham gia. Cứ hai người mới tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội thì một người rời đi và xu thế này chưa có dấu hiệu dừng lại. 97% người chọn rút một lần là lao động sau một năm nghỉ việc không đóng bảo hiểm xã hội. Người rút chủ yếu thuộc nhóm lao động trẻ ngoài khu vực nhà nước, từ 26 đến 29 tuổi. Tỷ lệ này ở nữ giới là 55,6%, nam giới là 44,4%. Theo quy định hiện hành, người đóng bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu sau 20 năm đóng. Điều kiện để rút bảo hiểm xã hội một lần khá dễ dàng như người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng mà chưa đủ 20 năm đóng... Tuy nhiên, theo Nghị quyết 28 của Trung ương năm 2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, thời gian đóng bảo hiểm xã hội ít nhất để được hưởng lương hưu có thể giảm từ 20 xuống 15, thậm chí 10 năm, tạo điều kiện cho người lao động sớm được hưởng lương hưu. Chính phủ sẽ sớm xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Luật về việc làm để sửa đổi các quy định theo Nghị quyết của Trung ương. Hồng Chiêu