Thời sự Học kém hiệu quả vì online - offline

Thảo luận trong 'Tin tức' bắt đầu bởi dungthuy28, 25/2/22.

  1. Chủ trương mở trường để đảm bảo hiệu quả giảng dạy, tăng tương tác cho trẻ... gặp thách thức lớn khi số em ở nhà ngày càng đông, cô trò nay học trực tiếp, mai đã phải online.

    Sau hai hôm đến trường, từ 10/2, Đặng Minh Nam (Hoàng Cầu, Hà Nội) phải ở nhà học online vì gia đình có F0. Nam sau đó cũng nhiễm nCoV nên đến nay, cậu đã học từ xa được nửa tháng.

    Lớp Nam có 44 bạn, hiện một nửa đến trường, nửa còn lại, gồm F0 và F1, chuyển sang học trực tuyến. Không chỉ số học sinh thuộc diện F ngày càng đông, nhiều thầy cô cũng phải cách ly, dạy online ở nhà. Do đó, có tiết Nam học với giáo viên trực tiếp trên lớp nhưng có hôm em được một cô khác dạy qua Zoom.

    Một số giáo viên không thể chia sẻ màn hình giảng dạy cho những trò học online. Các em phải theo dõi bài giảng viết trên bảng, qua thiết bị thu hình đặt ở xa nên không nhìn rõ. Hơn nữa, các F0, F1 cũng ít được tương tác, đôi lúc bị bỏ quên vì cô mải trao đổi trực tiếp với các bạn ở lớp. Mạng trục trặc hoặc lag cũng thường làm gián đoạn bài học.

    [​IMG]
    Một lớp ở trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa (Hà Nội) đặt máy livestream phục vụ các em học online, hôm 8/2. Ảnh: Thanh Hằng

    Sau khi ngồi cạnh một F0 ở lớp, Nguyễn Vinh Quang phải chuyển sang học online nhưng được trường bố trí vào lớp riêng. Nam sinh lớp 12 ở quận Cầu Giấy, Hà Nội cho hay trường gom các F0, F1 trong khối vào một lớp, gọi là A0, sĩ số dao động 68 đến hơn 80 bạn.

    Quang thấy khó bắt nhịp với lớp mới do không quen bạn bè, chương trình học lại lệch. Ví dụ, môn Toán cậu mới học đến bài 8 nhưng A0 đã dạy bài 9. Để theo kịp, Quang phải mượn vở bạn chép bài. Hơn nữa, giáo viên dạy A0 không phải các thầy cô quen thuộc. "Học với thầy cô quen, em đã hiểu phong cách giảng dạy nên nắm bài nhanh hơn. Trong khi ở A0, một môn có thể do nhiều người thay nhau dạy, gây khó cho việc tiếp nhận", Quang chia sẻ, cho biết thêm đó cũng là vấn đề chung của những bạn học A0.

    Lớp Quang có 44 học sinh nhưng gần đây chỉ 24-26 bạn đi học, còn lại đã chuyển sang A0. Quang hiện đã trở lại lớp học trực tiếp sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính, nhưng cậu luôn lo lắng vì có thể phải sang A0 bất cứ lúc nào.

    Trong bối cảnh Hà Nội ghi nhận hơn 7.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày, nhiều trường xoay xở tổ chức học kết hợp online và offline: gom F0, F1 vào một lớp tạm thời hoặc gửi các F học trực tuyến với những lớp trực tiếp. Tình trạng học sinh đến trường nhưng thầy cô dạy online từ nhà ngày càng trở nên phổ biến. Những bất cập từ mô hình giảng dạy kết hợp này khiến không ít phụ huynh lo ngại.

    Anh Nguyễn Anh Đức, phụ huynh ở quận Thanh Xuân nhận định, nếu cho học sinh đến trường nhưng thầy cô phải cách ly, dạy từ xa, thì việc học không khác gì trực tuyến trước đây. Thay vì ở nhà, các con đến lớp tụ tập nói chuyện hoặc xem chung thiết bị còn gây nguy cơ lây nhiễm cao hơn.

    Anh nhận xét kiểu gom lớp riêng cho các F0, F1 "không giải quyết vấn đề gì". Học sinh sẽ phải học cùng bạn và thầy cô mới, mất thời gian thích nghi và giảm hứng thú học hành.

    Chung quan điểm với anh Đức, chị Đỗ Thanh Giang ở quận Hà Đông thấy việc các F phải học chung rất "bất tiện" và "tạm bợ". Chị Giang kể, trường con trai chị chọn lớp A1 ở các khối làm lớp dồn F0, F1. Lớp A1 học trực tiếp, được trường phát qua Zoom để tất cả F của các lớp học nhờ.

    Lớp học trở nên lộn xộn vì học sinh lớp khác tham gia. Thầy cô kiểm soát các em trên lớp đã khó, giờ phải để mắt đến số học nhờ. Không quen lớp và nhịp độ học, con chị Giang thiếu tập trung, thậm chí không chép bài vì chán.

    Chị Giang cũng là giáo viên một trường THPT ở quận Hoàng Mai, từng phải ở nhà dạy online cho học sinh tại lớp. Học sinh thiếu thiết bị học và không có wifi nên túm tụm dùng chung 4G. Nhiều hôm chị đành phải cho học trò nghỉ vì các em báo điện thoại hết pin hoặc hết dung lượng 4G.

    Theo chị Giang, việc học "nửa nọ, nửa kia" thậm chí còn không hiệu quả bằng học online hoàn toàn. Nếu học online, chị sẽ kiểm soát được các em mở micro, tắt camera, quan sát được ai thiếu tập trung. Tuy nhiên, với hình thức kết hợp, chị không theo dõi được ai đang nói chuyện hay làm việc riêng.

    Do đợt dịch thứ tư bùng phát, từ 27/4 năm ngoái, cả nước đã trải qua hơn chín tháng ở nhà, học online. Đánh giá học online kém hiệu quả, lại giảm tương tác xã hội, tiềm ẩn những hệ lụy về tâm lý, sức khỏe với học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương mở cửa toàn bộ trường học từ sau Tết. Tuy nhiên, với sự gia tăng ca nhiễm cộng đồng sau kỳ nghỉ Tết, số ca nhiễm trường học vì thế cũng tăng mạnh.

    Tính đến 22/2, 13 tỉnh thành, với khoảng ba triệu trong hơn 17 triệu học sinh, phải dừng dạy học trực tiếp. Nhiều địa phương như Hà Nội, TP HCM nỗ lực duy trì mở cửa khiến các trường học đối diện 'áp lực chưa từng có'.

    Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng cho biết từ 14/2 đến nay ghi nhận 7.505 ca trường học, gồm hơn 700 giáo viên và gần 6.800 học sinh. Ngành dự định đề xuất UBND TP HCM xem xét ngừng học trực tiếp khi số trẻ mắc Covid-19 triệu chứng nặng, cần hỗ trợ hô hấp, hơn 100 ca mỗi ngày.

    Còn tại Hà Nội, nhiều hiệu trưởng thừa nhận, mô hình dạy kết hợp bộc lộ nhiều bất cập, không hiệu quả trong bối cảnh ca nhiễm tăng mạnh. Một khảo sát thu hút gần 7.700 người tham gia trên VnExpress cho thấy, 62% ý kiến nhận định, trường học nên chuyển sang dạy trực tiếp hoàn toàn trong bối cảnh ca nhiễm ở Hà Nội tiếp tục tăng.

    Thiết bị phập phù, cô trò vất vả học trực tiếp kết hợp online 12
    Bình Minh - Mạnh Tùng
     

Chia sẻ trang này