Sáng 16/7, Cơ quan Xúc tiến Thương mại - Đầu tư Hàn Quốc thuộc Bộ Thương mại - Công nghiệp - Năng lượng Hàn Quốc tổ chức "Tuần lễ quan hệ đối tác tăng cường Việt Nam - Hàn Quốc 2024". Chia sẻ tại sự kiện, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết trong hơn 5 năm trở lại đây Hàn Quốc là một trong những quốc gia đầu tư hàng đầu vào Việt Nam kể cả về tổng vốn đầu tư đăng ký và số lượng dự án. Tính lũy kế đến tháng 6 năm nay, tổng đầu tư trực tiếp từ Hàn Quốc vào Việt Nam đạt gần 87,5 tỷ USD với hơn 10.000 dự án đầu tư. Trong đó, đầu tư vào công nghiệp chế biến chế tạo chiếm gần 75% tổng vốn đăng ký và 25% tổng số dự án. Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Ảnh: Nhật Quang). Quảng cáo của DTads Tính riêng 6 tháng qua, Hàn Quốc đầu tư 1,4 tỷ USD, đứng thứ 4/84 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023. Về hợp tác phát triển (ODA), Việt Nam tiếp tục là đối tác ưu tiên hàng đầu mà Hàn Quốc cung cấp hỗ trợ phát triển, chiếm khoảng 20% tổng viện trợ của Hàn Quốc. Những lĩnh vực ưu tiên nhận ODA của Hàn Quốc là hạ tầng giao thông đô thị, giáo dục - đào tạo, môi trường, năng lượng sạch, công nghệ thông tin… Theo ông Hoàng, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay, các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Sắp tới, Việt Nam sẽ đón nhận dòng đầu tư mạnh mẽ từ Hàn Quốc lên đến hàng chục tỷ USD. Dòng vốn đầu tư dự kiến tăng mạnh sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc vào tháng 6/2023 và chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi tháng 6 vừa qua. Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây cũng đã tiếp 14 tổng giám đốc, chủ tịch các tập đoàn lớn của Hàn Quốc. Các đơn vị đều thể hiện quan điểm về việc mỗi tập đoàn sẽ đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam. Bày tỏ quan điểm định hướng hợp tác đầu tư nước ngoài, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài cho biết Việt Nam sẽ chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc. Đồng thời, các tiêu chí như chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là sẽ là các tiêu chí đánh giá chủ yếu. Các nhóm ngành được ưu tiên thu hút như điện tử, bán dẫn, năng lượng tái tạo, kinh tế số - chuyển đổi số, nông nghiệp công nghệ cao, trung tâm tài chính, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển… Ông Hoàng cho biết, Việt Nam cũng ưu tiên đầu tư nước ngoài có liên kết với các doanh nghiệp trong nước để tạo sự bổ trợ lẫn nhau. Đồng thời, cam kết của Việt Nam tại COP26 về việc giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 đã tạo nguồn cảm hứng đến các nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư tìm đến Việt Nam quan tâm đến các lĩnh vực năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh. Để thu hút dòng vốn FDI, Việt Nam nhiều năm qua kiên trì ổn định, phát triển kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng liên tục có những cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, đầu tư cơ sở hạ tầng… "Các quỹ đất sạch cũng đã được chuẩn bị, nguồn nhân lực chất lượng chất lượng cao đã sẵn sàng để đón nhận các làn sóng đầu tư, ông Hoàng nhấn mạnh. Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, đổi mới sáng tạo, triển khai hạ tầng công nghệ thông tin, tăng cường đối thoại với nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn. Cũng tại sự kiện, ông Lee Ji-Hyung - Giám đốc phụ trách hợp tác kinh tế, thương mại thuộc Cơ quan Xúc tiến Thương mại - Đầu tư Hàn Quốc, cho biết Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 3 tại Hàn Quốc, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc. Thông qua các buổi xúc tiến thương mại, ông kỳ vọng các doanh nghiệp Hàn Quốc có đủ năng lực để có thể tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, các nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên, như tàu điện ngầm cao tốc, nhà máy LNG… Nguồn https://dantri.com.vn/kinh-doanh/ha...p-duoc-rot-vao-viet-nam-20240716120915893.htm