Trước mắt, TP Hà Nội sẽ lập đội bắt chó thả rông ở tất cả 175 phường thuộc 12 quận nội thành, dự kiến hoàn thành trong năm 2023. UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch phòng chống bệnh dại trên chó, mèo giai đoạn 2022-2030, trong đó có nội dung thành lập đội bắt chó thả rông ở tất cả xã, phường, thị trấn. Tham mưu cho thành phố về kế hoạch này, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Thú y Hà Nội, cho biết đội bắt chó thả rông chỉ là một trong các yếu tố để đảm bảo vùng an toàn, không còn bệnh dại. Mục tiêu của đội là tuyên truyền đến chủ nuôi chó, mèo các quy định của pháp luật; phát hiện, xử phạt chủ nuôi không xích, rọ mõm chó ở nơi công cộng, ngăn chó dữ tấn công người gây hậu quả nghiêm trọng... Hiện 4 quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Thanh Xuân đã triển khai các đội bắt chó thả rông tới cấp phường và hoạt động tương đối hiệu quả. Chi cục đang phối hợp với 8 quận còn lại tuyên truyền, tập huấn xây dựng các đội, dự kiến hoàn thành trong năm 2023. Đối với 17 huyện ngoại thành và một thị xã, ông Sơn cho rằng việc lập đội trước mắt chưa khả thi do người dân chủ yếu nuôi chó thả rông để trông giữ nhà, tài sản ở khu vực rộng. Việc này sẽ cần thời gian để vận động, thuyết phục người dân. Đây cũng là khó khăn chung của tất cả địa phương, không riêng Hà Nội. Về lực lượng tham gia đội bắt chó thả rông, thành phố chưa có quy định cụ thể. Song, theo ông Sơn, mô hình phổ biến gồm 6-8 người là bảo vệ tổ dân phố, dân quân, công an viên, y tế, nhân viên thú ý, cán bộ chuyên trách bắt chó. Các đội sẽ hoạt động khoảng 1-2 lần một tuần, không cố định ngày để tăng tính đột xuất nhằm phát hiện, xử lý các vi phạm của chủ vật nuôi như: Không rọ mõm, không xích khi đưa chó ra nơi công cộng; để chó vệ sinh bừa bãi, cắn người. Con chó thả rông bị bắt ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, tháng 11/2018. Ảnh: Tất Định Trong thời gian xây dựng các đội bắt chó thả rông, Chi cục Thú y Hà Nội cho biết đã gặp nhiều khó khăn. Một số người thích nuôi chó to, dữ, nặng đến 30-40 kg. Những con chó này nếu bị thả rông sẽ gây nguy hiểm cho lực lượng làm nhiệm vụ. Nhiều giống chó lên đến vài chục triệu đồng, việc bắt giữ, nuôi nhốt, chăm sóc chúng cũng đặt ra nhiều vấn đề do đây là tài sản lớn của người dân. "Các phường thành lập đội bắt chó thả rông cũng đau đầu khi tìm cơ sở để nuôi nhốt, vì vừa đảm bảo điều kiện vệ sinh, ăn uống cho chó, mèo, vừa không được làm ảnh hưởng đến dân cư xung quanh", ông Sơn nói. Chia sẻ thêm về một số nhiệm vụ chính thời gian tới, ông Sơn cho hay Chi cục sẽ tham mưu cho thành phố, các quận, huyện có chính sách thù lao phù hợp đối với thành viên đội bắt chó thả rông. "Công việc này có tính chất đặc thù, đòi hỏi đào tạo, tập huấn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Nếu không có cơ chế hợp lý, rất khó để xây dựng đội bắt chuyên nghiệp, hiệu quả", ông nói. Đối với hộ nuôi chó, mèo, Chi cục trưởng Thú y Hà Nội đề nghị chấp hành quy định về tiêm vaccine phòng dại định kỳ; xích, rọ mõm và giữ gìn vệ sinh khi đưa thú nuôi ra nơi công cộng. Gia đình có trẻ nhỏ, người già, ở khu vực đông dân cư tuyệt đối không nên nuôi các loại chó to, dữ để đảm bảo an toàn. Theo kế hoạch từ nay đến năm 2030, 579 xã, phường, thị trấn ở Hà Nội được giao thành lập đội bắt chó, mèo thả rông nhằm phòng chống bệnh dại trên người và vật nuôi. Mỗi xã, phường bố trí khu vực nuôi nhốt, xử phạt chủ nuôi vi phạm quy định. Sau 48 giờ từ lúc có thông báo về động vật thả rông bị bắt, nếu không có chủ nuôi đến nhận, UBND cấp xã quyết định biện pháp xử lý. Tổng đàn chó, mèo của Hà Nội khoảng 460.000, đứng thứ hai cả nước sau Nghệ An. Từ năm 2019 đến nay, Hà Nội ghi nhận một trường hợp tử vong vì bệnh dại.