Năm 2022 là một năm với nhiều biến động của thị trường xăng dầu, kéo theo đó người dân cũng “toát mồ hôi hột” khi đi mua xăng. Giá xăng năm 2022 biến động như “tàu lượn” Năm 2022 đã khép lại, có thể nói đây là năm thị trường xăng dầu có nhiều biến động. Giá xăng đã tăng 16 lần, giảm 16 lần, giữ nguyên một lần, có thời điểm vượt mốc 30.000 đồng/lít. Đó là vào ngày 21/6, giá xăng lập đỉnh, đạt 32.870 đồng/lít. Trong các kỳ điều chỉnh, lần giảm nhiều nhất vào ngày 11/7, xăng E5 RON 92 giảm 3.110 đồng/lít, còn xăng RON 95 giảm 3.090 nghìn đồng/lít. Lần tăng nhiều nhất vào ngày 11/3, E5 RON 92 tăng 2.915 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 2.986 đồng/lít. Theo Bộ Công Thương, giá xăng tăng mạnh và liên tục lập đỉnh vào những tháng giữa năm do 2 nguyên nhân. Thứ nhất là do thị trường xăng dầu thế giới có nhiều biến động lớn. Cụ thể, việc EU đưa ra đề xuất cấm vận đối với các sản phẩm xăng dầu từ Nga và OPEC+ không tăng sản lượng so với kế hoạch như đề xuất của EU đã gây lo ngại về nguồn cung xăng dầu cho thị trường. Thứ hai, do nhu cầu dầu thô tăng sau khi Mỹ công bố kế hoạch mua 60 triệu thùng để bổ sung cho kho dự trữ khẩn cấp. Người dân xếp hàng dài chờ đến lượt đổ xăng Còn trong nước, tình hình dịch bệnh COVID-19 bắt đầu có xu hướng giảm. Theo chủ trương mới của Chính phủ về việc thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh COVID-19, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp đang phục hồi trở lại. Vào những ngày đầu tháng 10, giá xăng giảm đáng kể so với lúc lập đỉnh vào ngày 21/6, thị trường lại diễn ra tình trạng thiếu xăng cục bộ, đứt gãy ở một số phân khúc. Ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội, đưa lý do là chi phí chiết khấu cho các nhà bán lẻ quá thấp, thậm chí nhiều nhà bán lẻ không có chi phí này mà chỉ đầu mối cung cấp mới có. Khi nhà bán lẻ không có chi phí chiết khấu, càng bán càng lỗ thì đương nhiên họ sẽ không mặn mà gì với việc bán. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm, cả nước nhập khẩu hơn 6,5 triệu tấn xăng dầu các loại, trị giá 6,8 tỷ USD, tăng 22,7% về lượng và tăng 131,8% về trị giá so với cùng kỳ. Cuộc sống người dân xáo trộn vì giá xăng Giá xăng lên – xuống “chóng mặt”, người dân cũng được “phen toát mồ hôi hột” khi đi đổ xăng vào những ngày tháng 10, 11. Cứ tưởng rằng việc xếp hàng mua đồ chỉ diễn ra ở thời bao cấp, người dân ở một số tỉnh thành như Hà Nội, TP.HCM, Bình Phước, An Giang, Đăk Lăk… phải xếp hàng đến đêm chỉ để đổ được bình xăng. Không chỉ thế, nhiều đại lý chỉ bán nhỏ giọt, trong một lần đổ chỉ cho mua tối đa chỉ 30.000 – 50.000 đồng/xe khiến người dân ngán ngẩm. Còn nhớ ngày 1/11, chị Ngân, ở Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: Có những ngày chạy xe lòng vòng khắp nơi tìm cây xăng thưa người để đổ nhưng cây nào cũng chật kín người. Có ngày tôi phải chờ đến 0h đêm đi đổ nhưng vẫn không thể thoát khỏi cảnh xếp hàng dài”, chị ngán ngẩm kể lại. Xe hết xăng mà phải chờ cả tiếng mới đổ được chỉ từ 30.000 – 50.000 đồng, nhiều lúc việc gấp chị liền đổ tại ven đường với giá 50.000 đồng/lít để đi tạm. Có người không thích xếp hàng mất thời gian để đổ được 50.000 tiền xăng đã lựa chọn cách thuê xe ôm đi làm, dù có tốn kém hơn nhiều. Cuộc sống nhiều gia đình xáo trộn vì giá xăng Nhiều tài xế công nghệ còn phải tắt app vì chờ đợi đổ xăng. Anh Hiếu (TP.HCM), anh buộc phải tắt ứng dụng 1-2 giờ để khách không phải chờ đợi đơn hàng lâu. “Mới gần một tháng nhưng thu nhập của tôi đã giảm khoảng 1/3 so với tháng trước”, anh nói. Theo số liệu của Bộ Công thương, tính đến tối 11/10, có khoảng 137 cửa hàng đóng cửa trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động. Một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại một số tỉnh, thành phố như TP.HCM, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk… Bàn về nguyên nhân của tình trạng dân xếp hàng đổ xăng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải lý giải thị trường thế giới có biến động rất bất thường, ảnh hưởng trực tiếp đến biến động của thị trường xăng dầu trong nước. Bên cạnh đó, nhu cầu nhiên liệu nội địa tăng khá cao so với dự kiến; sự hồi phục kinh tế nhanh, mạnh và vượt kế hoạch khiến nhu cầu tiêu dùng mặt hàng xăng, dầu tăng cao, trong bối cảnh nguồn cung chưa tăng tương ứng. Ở trong nước, nguồn sản xuất từ 2 nhà máy lọc dầu trong nước 10 tháng năm 2022 chưa đảm bảo theo kế hoạch năm đặt ra. Dù 2 nhà máy đã sản xuất vượt công suất, Bình Sơn gần đây sản xuất vượt 112% nhưng vẫn chưa đạt kế hoạch. Như vậy, còn thiếu 170.000 m3/tấn xăng, dầu các loại (10 tháng đầu năm, nguồn sản xuất trong nước từ 2 nhà máy đạt 9,7 triệu m3/tấn, trong khi kế hoạch đăng ký 10 tháng đầu năm là 9,87 triệu m3/tấn). Biến động giá xăng khiến giá cả nhiều mặt hàng cũng tăng mạnh Vì vậy, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động kinh doanh, nhập khẩu cầm chừng, cắt giảm các chi phí kinh doanh, trong đó có việc cắt giảm mạnh chiết khấu bán hàng dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu không đủ chi phí duy trì kinh doanh và cắt giảm sản lượng hoặc gián đoạn việc bán hàng. Báo cáo cập nhật tình hình giá tháng 11/2022 vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,39% so với tháng trước. Trong đó, chỉ số giá nhóm giao thông tháng 11/2022 tăng 2,23% , chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,07% so với tháng trước. Cũng trong năm 2022, có những thời điểm giá xăng tăng mạnh, giá cả hàng hoá, dịch vụ tăng mạnh, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân cũng như tiểu thương kinh doanh. Khi giá xăng lập đỉnh hơn 30.000 đồng/lít, nhiều loại rau củ, thực phẩm tại chợ truyền thống, dịch vụ vận tải và các hàng hoá thiết yếu khác cũng tăng giá từ 10-30% so với trước đó. Nhưng khi giá xăng giảm, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn không chịu giảm giá, cũng có giảm giá cũng chỉ nhỏ giọt, thậm chí về cuối năm nhiều mặt hàng còn tăng giá. Còn các dịch vụ ăn uống, chế biến sẵn vẫn giữ nguyên giá bán sau khi từng “xin khách hàng” để tăng giá bán thêm 5.000-10.000 đồng/món khi giá xăng dầu lập đỉnh. Việc giá các mặt hàng, dịch vụ tăng khiến đời sống của người dân ảnh hưởng rất nhiều vì lương vẫn vậy mà chi tiêu lại tăng lên. Nhiều người đã phải nhận thêm việc làm để có tiền trang trải cuộc sống. Các hệ thống siêu thị đã tung ra nhiều chương trình ưu đãi để hỗ trợ người tiêu dùng trong bối cảnh giá xăng có thời điểm lập kỷ lục Giá xăng năm 2023 sẽ thế nào? Khép lại năm 2022, giá xăng dầu có thể nói là biến động, tác động lớn đến đời sống ngườii dân, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước ta. Vậy, đến năm 2023, giá xăng dầu sẽ ra sao? Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong cho biết năm 2022, giá khí đốt tự nhiên tăng vọt, đặc biệt là giá xăng dầu đã gây ra những chấn động trên thị trường năng lượng toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều ngành kinh tế, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Trong bối cảnh đó, nền kinh tế Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng ổn định, mặc dù giá xăng dầu tăng đã kéo theo tỷ lệ lạm phát có chiều hướng tăng lên, giá cả các mặt hàng phục vụ đời sống và sản xuất của doanh nghiệp cũng có nhiều biến động. “Phải khẳng định rằng, với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, bộ, ngành và sự quyết liệt trong điều hành nền kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Nhờ vậy, tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ được giải quyết dứt điểm, tình hình cung ứng xăng dầu trong nước được đảm bảo. Đặc biệt, việc giá xăng dầu không tăng quá cao, nằm trong 29 nước có giá xăng dầu thấp nhất thế giới là yếu tố đặc biệt giữ bình ổn giá rất nhiều mặt hàng khác”, TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh. Người dân và doanh nghiệp kỳ vọng giá xăng ổn định trong năm 2023 Trước những dự báo kinh tế thế giới sẽ còn biến động trong năm 2023, do tình hình chính trị bất ổn ở một số khu vực, vị chuyên gia kinh tế này cho biết giá năng lượng sẽ bị tác động, trong đó không loại trừ giá xăng dầu sẽ tiếp tục tăng cao. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt năng lượng ở châu Âu sẽ khiến giá khí đốt cao hơn dự kiến vào năm 2023, làm tăng thêm hóa đơn nhập khẩu của nhiều nhà nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là ở châu Á và châu Phi. Trao đổi về vấn đề nguồn cung xăng, dầu trong nước trong năm 2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết Việt Nam chỉ nhập khoảng 20 - 25% nguồn xăng, dầu từ bên ngoài nên không được các nước ưu tiên trong cung cấp nguồn hàng. Trong khi đó, việc các nước EU áp giá trần với xăng, dầu của Nga nên có thể dẫn tới giảm sản lượng, nguồn cung và việc nhập khẩu khó khăn hơn. Đáng nói, mặc dù nguồn cung xăng, dầu hiện nay, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2023 được Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cam kết đảm bảo nhưng đối với nguồn cung xăng, dầu trong năm 2023, các doanh nghiệp đầu mối cần có phương án chuẩn bị, đặc biệt khi các nhà máy xăng, dầu bảo dưỡng theo định kỳ. “Dự kiến trong tháng 5, tháng 6/2023, nhà máy lọc dầu Bình Sơn bảo dưỡng định kỳ nên các doanh nghiệp phải có kế hoạch nhập khẩu trước. Vì vậy, các đơn vị cần thực hiện tốt dự trữ, lưu thông theo quy định, thực hiện nghiêm tổng nguồn xăng, dầu tối thiểu đã được phân giao”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên lưu ý. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các doanh nghiệp đầu mối thường xuyên báo cáo phản ánh những chi phí thực tế phát sinh để cập nhật với Bộ Tài chính. Ngoài ra, bắt đầu từ ngày 1/1/2023, Bộ Công Thương sẽ quản lý theo hệ thống, áp dụng công nghệ số để quản lý từ doanh nghiệp đầu mối đến phân phối, đến từng cửa hàng bán lẻ để kiểm soát tình hình hoạt động kinh doanh xăng, dầu hiệu quả hơn. Nguyễn Thơm Sự kiện: Tiêu điểm kinh tế tuần, Kinh tế toàn cảnh, Thông tin thị trường Chủ Nhật, ngày 01/01/2023 05:00 AM (GMT+7) Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/gia-xang...am-toat-mo-hoi-hot-cua-nguoi-mua-a588340.html