Thời sự Dở khóc dở cười với những "combo du lịch giá rẻ"

Thảo luận trong 'Tin tức' bắt đầu bởi dungthuy28, 28/7/23.

  1. Lợi dụng mùa cao điểm du lịch, một số đối tượng đã cố tình dùng các chiêu trò, đăng tải thông tin sai sự thật về các tour du lịch “giá rẻ” tại các nhóm du lịch trên mạng xã hội Facebook nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản từ vài triệu tới hàng trăm triệu đồng.
    Trên các diễn đàn du lịch, khá nhiều người là nạn nhân đã chia sẻ các câu chuyện dở khóc dở cười về các kỳ nghỉ “bánh vẽ”.

    Mới đây nhất, anh Nguyễn Văn Hoà (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã rất thất vọng chia sẻ về kỳ nghỉ của gia đình mình. Theo lời anh Hòa, gia đình anh đặt tour đi vịnh Lan Hạ (Hải Phòng) 3 ngày 2 đêm với giá 6 triệu đồng, thế nhưng khi trải nghiệm chất lượng dịch vụ, lịch trình tham quan lại khác xa so với những gì quảng cáo.



    [​IMG]



    Nhiều khách hàng "sốc" nặng khi trải nghiệm tour du lịch mua qua mạng xã hội

    "Dịp nghỉ hè nên tôi có nhu cầu đặt tour đi du lịch biển, tham quan vịnh cho cả gia đình thông qua một tài khoản facebook tự nhận là người bản địa. Theo lời quảng cáo, gia đình tôi sẽ được đi du thuyền tham quan vịnh, các quần đảo Cát Bà, làng chài Cửa Vạn... nhưng thực tế người bán tour đã làm hợp đồng thỏa thuận với ngư dân địa phương, thuê lại một tàu cá để chở du khách với lí do du thuyền đã quá tải, hết slot. Dù trong lịch trình ghi rõ sẽ đi tham quan 3 - 4 địa điểm thế nhưng chủ tàu chỉ cho gia đình đi loanh quanh ở vịnh. Khi tôi phản ánh chất lượng dịch vụ thì người cung cấp tour này đã chặn số, khoá facebook" - anh Hoà nói.

    Tương tự, chị Đào Thu Hà (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng cho hay, chị cảm thấy rất hoang mang khi lạc vào "ma trận" quảng cáo, giới thiệu tour du lịch.

    [​IMG]

    Khách hàng hoang mang trước "ma trận" quảng cáo các combo du lịch giá rẻ

    Chị Hà chia sẻ, tuần trước bạn của chị có mua một tour du lịch, nghỉ dưỡng ở đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) với giá 4 triệu đồng của người dân bản địa, đã bao gồm dịch vụ xe đưa đón, dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, phí chèo kayak, lặn ngắm san hô... nhưng khi đã chuyển khoản đặt cọc trước 50% (2 triệu đồng) thì người bán tour này đã thay website, số điện thoại, không thể liên lạc được.

    Trước đó, một tài khoản Vân Coongg đã chia sẻ câu chuyện bị lừa chuyển tiền mua vé máy bay và phòng khách sạn đi Côn Đảo, cụ thể:

    "Ngày 21/6, qua một người bạn giới thiệu, em có chuyển tiền đặt vé qua Zalo tên Tiến Anh. Vé máy bay khứ hồi đi Côn Đảo 26/6 - 28/6 là hơn 4,3 triệu đồng, tiền khách sạn 3 ngày 2 đêm là hơn 2 triệu đồng. Do bạn giới thiệu nên em chủ quan không check lại và cũng không xin số điện thoại của bạn Tiến Anh. Đến đêm hôm qua, đang chờ xe tới đón để di chuyển quãng đường 200km tới sân bay Nội Bài thì em nhận được tin nhắn của bạn Tiến Anh với 2 chữ "Sr" rồi bị chặn tin nhắn, hủy kết bạn. Em check mã vé thì được báo có đặt nhưng đã hủy rồi, hỏi khách sạn thì nhận được câu trả lời không có người nào đặt tên em cả".

    [​IMG]

    Nhiều người làm trong ngành du lịch cũng "choáng" trước các tour giá rẻ

    Tìm hiểu được biết, thời gian vừa qua, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện tình trạng các nhóm, fanpage giả mạo thông tin của công ty lữ hành, đại lý bán vé, tour du lịch giá rẻ nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người dân và du khách khi có nhu cầu sử dụng các dịch vụ du lịch tại các điểm du lịch nổi tiếng như Hạ Long, Phú Quốc, Côn Đảo,… khiến nhiều người không có kinh nghiệm dễ dàng mắc “bẫy lừa”.

    Để tránh bị lừa đảo trước các thủ đoạn nêu trên, đại diện các tỉnh – nơi có nhiều điểm du lịch, cũng đã liên tục có những cảnh báo, khuyến cáo người dân cần tìm hiểu và xác minh thông tin về các công ty lữ hành trước khi đặt tour. Du khách nên đặt qua các công ty du lịch đã được Sở Du lịch các tỉnh, thành phố cấp phép hoạt động lữ hành; Theo dõi, liên hệ trực tiếp thông qua danh sách các hãng tàu vận tải, chủ các cơ sở lưu trú, dịch vụ, nhà hàng được công bố trên cổng thông tin điện tử, website du lịch.

    Bộ Công an mới đây cũng khuyến cáo người dân cần cảnh giác khi nhận được lời mời chào mua "combo du lịch giá rẻ" đáng ngờ với mức giá quá rẻ (rẻ hơn 30-50% so với giá chung của thị trường); đặc biệt thận trọng khi đơn vị du lịch yêu cầu chuyển tiền đặt cọc để giữ chỗ, nếu có thể nên thực hiện giao dịch thanh toán trực tiếp.

    Đồng thời, chú ý các dấu hiệu nhận biết website giả mạo thông qua tên website và tên miền. Thông thường tên các website giả sẽ gần giống với tên các website thật nhưng sẽ có thêm hoặc thiếu một số ký tự. Tên miền giả thường sử dụng những đuôi lạ như .cc, .xyz, .tk…

    Đặc biệt, đối với các trang mạng xã hội (Fanpage) hoạt động mua bán, quảng bá các gói du lịch, nhất là gói du lịch giá rẻ, vé máy bay giá rẻ, người dân nên chọn các trang mạng xã hội có dấu tích xanh (tài khoản đã đăng ký) hoặc chọn các trang mạng xã hội có uy tín mà mình biết rõ thông tin của người bán. Xác nhận lại thông tin đặt phòng, đặt vé máy bay để kịp thời phát hiện dấu hiệu lừa đảo, trình báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết.

    Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/do-khoc-do-cuoi-voi-nhung-34-combo-du-lich-gia-re-34-a619233.html
     

Chia sẻ trang này