Việc dạy con học tưởng chừng rất đơn giản nhưng trên thực tế có rất nhiều trường hợp cha mẹ tức giận đến mức phải nhập viện. Sự kiện: Dạy con Ngày 2/6 vừa qua, có một câu chuyện xảy ra ở Đường Sơn, Trung Quốc trở thành tâm điểm bàn tán của cộng đồng mạng. Theo đó, có một người mẹ họ Hà kèm con làm bài tập về nhà. Thế nhưng, dù giảng bày kiểu gì đi chăng nữa con trai cô vẫn không hiểu bài. Cô Hà cảm thấy bất lực muốn gục ngã, đành gọi chồng vào dạy kèm thay. Ban đầu anh cho rằng việc dạy con học quá đơn giản nhưng chỉ một lúc sau đã tức giận tới mức đau tim khiến vợ hốt hoảng gọi xe cấp cứu. Người cha lên cơn đau tim sau khi dạy con học. Sau khi đưa chồng tới bệnh viện, cô Hà đã quay video lại và chia sẻ tình hình của 2 vợ chồng. Cô khuyên các bậc cha mẹ nên cố gắng khuyên bảo con mình nhiều hơn, rèn luyện khả năng chịu đựng, học hỏi kinh nghiệm thực tế từ người khác để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Qua những hình ảnh cô Hà chia sẻ, cư dân mạng thấy được người cha đang mệt mỏi nằm trên giường, ánh mắt hoàn toàn bất lực. Cuối cùng, cô Hà còn cho rằng, việc học của con cái sau này sẽ mặc kệ, tính mạng của mình là quan trọng nhất. Câu chuyện của cô Hà khiến cho cư dân mạng xôn xao bàn tán và để lại nhiều bình luận. Một người viết: “Có một số kiểu cha mẹ rất kì cục, bình thường họ chẳng bao giờ quan tâm tới việc học của con cái rồi bỗng vào một ngày đẹp trời lại muốn giúp đỡ con học. Họ bắt con cái phải học theo đúng ý mình, con cái không làm theo thì tức giận”. Cũng có cư dân mạng chia sẻ rằng, có một số bài tập phụ huynh giải thích nhiều lần nhưng con vẫn không hiểu. Cha mẹ mất kiên nhẫn, cáu giận càng khiến trẻ bối rối, sợ hãi, sau cùng vẫn không hiểu bài. Thậm chí, một số cư dân mạng còn đưa ra lời khuyên cho các bậc cha mẹ rằng: “Thực ra đứa trẻ không sai mà bản thân cha mẹ mới là người có vấn đề. Có câu ‘không có đứa trẻ nào không học được, chỉ có thầy không dạy được’. Giáo dục trẻ em còn phải xét tới yếu tố tâm lý và ảnh hưởng môi trường, quan trọng nhất phải nắm vững phương pháp học tập. Làm sao để rèn được cho trẻ tính tự giác mới là điều quan trọng nhất”.