Cùng với đà phục hồi của thị trường chứng khoán, khối tài sản của tiến sĩ 55 tuổi này cũng ghi nhận tăng thêm hơn 200 tỷ đồng để vượt mức 6.680 tỷ đồng. Sau phiên lao dốc đầu tuần, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận đà phục hồi trong phiên giao dịch ngày 21/3. Kết phiên giao dịch, chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng 9,33 điểm để đóng cửa ở 1.032,43 điểm, chỉ số HN-Index cũng ghi nhận mức tăng 1,49 điểm để đóng cửa ở 203,11 điểm. Chỉ có riêng chỉ số Upcom-Index ghi nhận mức giảm nhẹ 0,35 điểm để đóng cửa ở 75,67 điểm. Cùng với đà phục hồi của chỉ số chính VN-Index, mã cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng 650đ/cổ phiếu tương đương mức tăng 3,3% so với phiên liền trước để đóng cửa ở mức giá 20.350đ/cổ phiếu. Với mức tăng này, VPB là một trong những mã ghi nhận mức tăng tích cực trong rổ chỉ số VN30. Đà tăng mạnh của VPB trong phiên giao dịch ngày 21/3 không chỉ mang về niềm vui cho các cổ đông, mức tăng này còn giúp khối tài sản của Chủ tịch Ngô Chí Dũng và những người thân ghi nhận mức tăng hàng trăm tỷ đồng. Khối tài sản của Chủ tịch Ngô Chí Dũng vượt mốc 6.680 tỷ đồng nhờ đà tăng của cổ phiếu VPB Cụ thể với việ đang trực tiếp nắm giữ hơn 328 triệu cổ phiếu VPB, khối tài sản của tiến sĩ 55 tuổi ghi nhận mức tăng thêm hơn 213 tỷ đồng. Tính theo giá thị trường, Chủ tịch Ngô Chí Dũng đang trực tiếp nắm giữ khối tài sản trị giá hơn 6.686 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khối tài sản của 2 người thân của ông Dũng là bà Hoàng Anh Minh - vợ ông Dũng và bà Vũ Thị Quyên - mẹ ông Dũng cũng ghi nhận mức tăng lần lượt là 212 tỷ đồng và 211 tỷ đồng nhờ đà tăng của lượng cổ phiếu đang nắm giữ. Kết phiên giao dịch ngày 21/3, khối tài sản bà Hoàng Anh Minh đang trực tiếp nắm giữ có giá trị hơn 6.649 tỷ đồng, trong khi khối tài sản của bà Vũ Thị Quyên trực tiếp nắm giữ có giá trị hơn 6.631 tỷ đồng. Thị giá của VPB tăng mạnh trong bối cảnh ngân hàng này đang tiến gần bản hợp đồng hợp tác chiến lược với Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui của Nhật Bản. Theo kế hoạch, VPBank sẽ bán hơn 1 tỷ cổ phiếu cho Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC - vốn trực thuộc Sumitomo Mitsui với giá 32.000-33.000 đồng/cp. Thỏa thuận này dự kiến được ký kết trong tháng 3/2023. Nếu đạt thỏa thuận bán 15% cổ phần cho Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui được hoàn tất, đây không chỉ là bước tiến mới của VPBank mà còn là một “chỉ báo” xanh cho thị trường ngân hàng Việt. Trong khi đó, nhận định về xu hướng giao dịch của thị trường chứng khoán Việt Nam phiên giao dịch ngày 22/3, chuyên gia của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo thị trường có thể sẽ tiếp tục các nỗ lực tăng điểm trong phiên sáng để chỉ số VN-Index kiểm định ngưỡng kháng cự ngắn hạn tại 1.038 điểm, tạo bởi đường EMA10 ngày. Theo VCSC, nếu lực cầu không có thêm sự cải thiện giúp thanh khoản thị trường gia tăng trong các nhịp tăng giá, nhiều khả năng lực bán được thúc đẩy từ kháng cự sẽ chiếm ưu thế trở lại, khiến cho VN-Index thu hẹp đà tăng, thậm chí đảo chiều giảm về phía cuối ngày. Khi đó, chỉ số có thể sẽ cần kiểm định lại vùng hỗ trợ tại 1.020 điểm. Ngược lại, nếu lực mua gia tăng mạnh giúp VN-Index đóng cửa trên mốc 1.038 điểm, chỉ số có thể quay trở lại vùng 1.055-1.065 điểm một lần nữa. Chuyên gia của CTCK KB Việt Nam (KBSV) nhận định VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục trải qua các nhịp rung lắc trong phiên tiếp theo trước khi thiết lập một mặt bằng giá vững chãi hơn với ngưỡng hỗ gần được đặt quanh 1.015-1.020 điểm. Chuyên gia của CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng với điểm số hiện tại VN-Index vẫn chưa trở lại kênh tăng ngắn hạn, khả năng bắt đầu giai đoạn tích lũy cân bằng trở lại và chưa có xu hướng rõ ràng trong ngắn hạn. Với góc nhìn trung - dài hạn khả năng cao VN-Index tích lũy cạn kiệt với khối lượng giảm thấp và kéo dài, hướng đến khu vực cân bằng trong biên độ hẹp 1.020 điểm – 1.050 điểm. Xét theo phân tích kỹ thuật, thời gian tới sẽ là giai đoạn giao dịch không tích cực nhưng cũng ít dần rủi ro. Mặt bằng giá cổ phiếu hiện nay đang khá hấp dẫn sau thời gian thị trường giảm sâu vừa qua là cơ hội tốt để nhà đầu tư dài hạn giải ngân dần. Trong khi đó, chuyên gia của CTCK Asean (Aseansc) cũng cho rằng bên mua đang có dấu hiệu mạnh lên, đà giảm tạm thời chững lại. Kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục có quán tính tăng điểm trong phiên 22/03, chỉ số VN-Index sẽ có quán tính tăng điểm trong phiên sáng để kiểm định vùng kháng cự gần 1.035 – 1.040 điểm và xa hơn là vùng kháng cự 1.045 – 1.050 điểm. Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/co-them-...si-55-tuoi-vuot-moc-6-680-ty-ong-a599061.html