Thời sự Chủ nhân nhà gỗ lim gần 350 tuổi tiết lộ bí kíp dựng nhà “thần tốc” trong một đêm

Thảo luận trong 'Tin tức' bắt đầu bởi dungthuy28, 4/8/22.

  1. Ngôi nhà rộng hơn 130m2, cột kèo toàn bằng gỗ lim được dựng xong chỉ trong một đêm khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng.
    Sự kiện: 24h vạn dặm
    Ngôi nhà – món quà trả ơn cứu mạng

    Làng Sơn Đồng (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) lâu nay nổi tiếng bởi nghề tạc tượng, làm hoành phi câu đối, đồ thờ cúng… Đây cũng là một ngôi làng cổ, đường làng ngõ xóm quanh co, nhiều ngôi nhà còn lưu giữ được những kiến trúc độc đáo từ thời phong kiến.

    [​IMG]

    Ngôi nhà rộng hơn 130m2 chủ yếu bằng gỗ được dựng trong một đêm

    Nổi tiếng nhất trong vùng có lẽ là ngôi từ đường của dòng họ Nguyễn Viết. Khuôn viên từ đường rộng chừng 3.000m2. Ngôi từ đường này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

    Tuy nhiên, bên cạnh ngôi từ đường trên, ít ai biết rằng, dòng họ Nguyễn Viết còn đang sở hữu một ngôi nhà gỗ lim đã gần 350 năm tuổi. Ngôi nhà cổ này không được ghi chép trong chính sử, nhưng đã từ nhiều đời nay người dân làng Sơn Đồng và con cháu dòng họ Nguyễn Viết vẫn truyền miệng cho nhau nghe.

    Ngôi nhà chính là món quà và cũng là nơi lưu giữ một câu chuyện về mối thâm giao của hai vị quan nổi tiếng thời phong kiến Việt Nam.

    Trải qua hơn 3 thế kỷ, ngôi nhà vẫn vững chãi và đang là nơi sinh sống của 3 thế hệ gia đình ông Nguyễn Viết Vy (82 tuổi). Ông Vy là hậu duệ đời thứ 18 của dòng họ Nguyễn Viết và là đời thứ 11 sinh sống trong ngôi nhà này.

    [​IMG]

    Ông Nguyễn Viết Vy (82 tuổi) đang cùng con, cháu sinh sống trong ngôi nhà gần 350 tuổi

    Bên ấm nước chè vừa pha, ông Vy kể cho chúng tôi nghe về huyền tích ngôi nhà đã được truyền tụng hàng trăm năm qua.

    Năm 1675, thời vua Lê Hy Tông (1675 - 1705), Đô đốc Thái bảo Nguyễn Công Triều (1614 - 1690) mượn voi của triều đình để kéo nguyên vật liệu, phục vụ việc xây dựng đê điều, đình chùa, đường sá cho dân chúng làng Đông Lao, phủ Hoài Đức (nay là thôn Đông Lao, xã Đông La, huyện Hoài Đức, Hà Nội).

    Thế nhưng, không may voi kiệt sức mà chết. Theo luật thời ấy, hoặc là ông phải đan một con voi tre to như voi thật và đổ đầy vàng bạc vào trong hoặc là phải chịu tội chết.

    Vốn nổi tiếng là quan thanh liêm, Đô đốc Nguyễn Công Triều dồn hết tài sản cũng chỉ đổ đầy được có 4 cái chân voi, án tử coi như đã tuyên. Người được giao xét xử vụ án là Tham tụng Hình bộ Thượng thư Nguyễn Viết Thứ (1644 - 1692). Biết vị Đô đốc chẳng qua vô tình phải tội nên vị Thượng thư tìm cách biện hộ, giải cứu.

    [​IMG]

    Cột, kèo của ngôi nhà được làm bằng gỗ lim nên trải qua hàng trăm năm vẫn bền vững

    Một lần ngự đàm với nhà Vua, Thượng thư Nguyễn Viết Thứ kể một câu chuyện dân gian rằng: Một anh tá điền nghèo phải đi cày thuê cho địa chủ. Một buổi trưa nóng như thiêu như đốt, người và trâu đang cố sức cày cho xong thửa ruộng thì đột nhiên trâu lăn quay ra chết. Địa chủ bắt anh tá điền phải đền.

    Vua nghe vậy bảo rằng: Con trâu chết là tại trời, chứ đâu phải do anh tá điền muốn nó chết. Anh ta không có tội. Nhân cơ hội ấy, quan Thượng thư liền bẩm tấu vụ án phải đền voi bạc của Đô đốc Nguyễn Công Triều. Vua suy tính một hồi, khen ngợi tài trí của quan Thượng thư và đồng ý xóa tội cho Đô đốc Nguyễn Công Triều.

    Ơn cứu mạng cao như trời bể, Đô đốc Thái Bảo Nguyễn Công Triều muốn đền đáp nhưng Thượng thư Nguyễn Viết Thứ luôn tìm cách từ chối. Canh cánh trong lòng, Đô đốc Nguyễn Công Triều đã nhắc đến việc cha mẹ Thượng thư ở quê phải sống trong ngôi nhà xập xệ dù con làm quan lớn. Đô đốc ngỏ ý muốn dựng một ngôi nhà mới cho song thân quan Thượng thư vì đã coi nhau như ruột thịt.

    “Dù không muốn nhận nhưng trước tấm thịnh tình của quan Đô đốc, Thượng thư Nguyễn Viết Thứ đã ra điều kiện, nếu làm xong ngôi nhà trong một đêm thì sẽ nhận. Mục đích là để làm khó quan Đô đốc, khiến ông từ bỏ ý định.

    Thế nhưng, không ngờ chỉ sau một đêm, một ngôi nhà gỗ lim 5 gian, 2 chái khang trang đã được dựng lên khiến quan Thượng thư cũng như dân làng Sơn Đồng ngỡ ngàng”, ông Vy thuật lại.

    [​IMG]

    Nét cổ kính, mộc mạc của ngôi nhà đã trường tồn hơn 3 thế kỷ

    Bí kíp dựng nhà gỗ lim chỉ trong một đêm

    Nhấp ngụm nước chè, ông Vy kể tiếp, một buổi chiều năm 1676, người dân làng Sơn Đồng thấy một đoàn tùy tùng cả trăm người cùng voi, ngựa, trâu kéo theo gỗ, đá, ngói… đến mảnh đất nhà quan Thượng thư Nguyễn Viết Thứ. Họ đẽo gỗ, đào đất, dựng khung nhà suốt đêm. Ánh đuốc sáng rực cả một vùng.

    Sáng sớm hôm sau, người dân đến xem tình hình thì thấy một ngôi nhà sừng sững trước mặt, ai nấy đều không tin vào mắt mình. Ngôi nhà 5 gian, 2 chái, dài 18,5m, rộng 7,2m (hơn 133m2); cột kèo toàn bằng gỗ lim; nền nhà lát gạch nâu bóng; bộ hoành phi, câu đối sơn son thiếp vàng mới tinh tươm…

    [​IMG]

    Bức hoành phi đặt chính giữa ngôi nhà viết 3 chữ “Đức Giã Viễn” để nhắc nhở con cháu ăn ở có đức, có tâm như thời ông cha

    Ông Vy chia sẻ: “Theo tôi tìm hiểu, sở dĩ, quan Đô đốc có thể dựng nhà nhanh đến như vậy là do thôn Đông Lao bấy giờ đang dựng đình. Thế là cột, kèo, các thứ chuẩn bị để dựng đình được chuyển hết lên đây dựng nhà nên mới nhanh như vậy, chứ nếu đục đẽo từ đầu thì không thể kịp trong một đêm được”.

    Trải qua 346 năm (1676-2022), ngôi nhà vẫn giữ nguyên vẹn được kiến trúc ban đầu. Các cột, kèo, hoành phi câu đối bằng gỗ lim vẫn vững chãi cùng thời gian. Đến đời ông Vy mới phải sửa chữa hai lần. Một lần vào năm 1975, đảo ngói, cân chỉnh lại cột kèo, thay vách gỗ bị mối mọt. Lần thứ hai là tháng 11/1995, đại tu phần mái ngói và sàn do xập xệ và dột.

    Chỉ lên bức hoành phi với ba chữ vàng "Đức Giã Viễn", ông Vy nói rằng: “Tôi luôn nhắc nhở con cháu ăn ở có đức có tâm, tài năng, đức độ như hai người bạn tâm giao là cha ông chúng tôi Nguyễn Viết Thứ và Nguyễn Công Triều”.

    [​IMG]

    Ngôi nhà được tu sửa 2 lần, trong đó có lần đại tu phần mái do đã bị hư hỏng, dột, tuy nhiên phần cột kèo vẫn được giữ nguyên vẹn

    Ông Vy cũng chia sẻ thêm, quan Đô đốc Nguyễn Công Triều không lấy vợ sinh con, cả đời ông làm quan giúp dân và coi dân như con. Chính vì vậy, dân làng Đông Lao rất kính nể và thờ cúng ông cẩn thận.

    “Tôi nghe nói, đình làng Đông Lao hiện nay cũng có kiến trúc gần giống với ngôi nhà của tôi. Sắp tới, tôi sẽ nhờ con cháu chở xuống thăm làng Đông Lao để tìm hiểu thêm về lịch sử cũng như gắn kết tình cảm vốn có từ đời ông cha để lại”, ông Vy nói.
     

Chia sẻ trang này