"Chỉ chừng trăm bước nữa" và "Quy tắc 10.000 giờ"

Thảo luận trong 'Quán nghỉ' bắt đầu bởi Thiên Thanh Hi, 31/12/12.

Trạng thái chủ đề:
Đã khóa. Bạn muốn mở lại chủ đề? Nhắn tin cho admin Thiên Thanh Hi
  1. Thiên Thanh Hi

    Thiên Thanh Hi Ban Quản Trị

    Tôi xin đăng 2 câu chuyện lý thú, bổ ích và có thực dành tặng mọi người ;)

    Chỉ chừng trăm bước nữa (nhà báo FREDERICK VAN RYN)
    Hồi đó tôi hai mươi lăm tuổi, thất nghiệp và đói. Đã nhiều lần tôi ở trong tình trạng như vậy tại Constantinople, tại Paris, tại Rome. Nhưng tại New York, ngay cái không khí người ta thở cũng có cái vị của hạnh thông mà thất nghiệp thì thật là tủi nhục.

    Tôi hoàn toàn không biết xoay xở ra sao, điều đó chẳng có gì lạ. Tôi muốn kiếm ăn bằng ngòi bút nhưng lại không viết được bằng tiếng Anh, nên suốt ngày tôi lang thang ngoài phố, không phải vì thích sinh hoạt mà để bà chủ nhà khỏi bận mắt.

    Một hôm, trên con đường 42, tôi đụng đầu với một người to lớn tóc hung hung. Tôi nhận ra liền: Féodoe Chaliapine, diễn viên Nga nổi tiếng. Hồi thiếu niên, đã nhiều lần tôi sắp hàng mua giấy hạng bét để nghe ông hát ở rạp Đế Quốc Hí Viện Moscou. Hồi làm báo ở Paris, có lần tôi đến phỏng vấn ông, tôi tưởng ông không nhận ra tôi, không ngờ ông nhận ra. Ông hỏi tôi:
    - Bận lắm không?

    Tôi đáp lí nhí một câu mơ hồ. Có lẽ ông đoán được tình cảnh của tôi.
    - Theo tôi về khách sạn ở góc đường Broadway và đường 103 nhé? Chúng mình cùng đi bộ

    Lúc đó đã giữa trưa và tôi đi lang thang đã năm giờ rồi.
    - Nhưng ông Chaliapine ạ, từ đây tới đó năm sáu cây số lận.

    Ông ta ngắt lời tôi:
    - Điên nào, chưa đầy trăm thước.
    Tôi ngạc nhiên hỏi :
    - Trăm thước?
    - Thì vậy chứ sao! Tôi không nói là tới khách sạn, dĩ nhiên. Là tới gian bắn ở đại lộ 6 ấy.

    Tôi chẳng hiểu gì cả, nhưng cũng đi theo. Một lát chúng tôi tới trước gian hàng đó, đứng ngó hai chú lính thủy bắn vào một cái bia, đều đều, không biết bao nhiêu lần. Rồi chúng tôi lại tiếp tục đi.

    Ông Chaliapine vui vẻ bảo tôi:
    - Bây giờ còn hơn một cây số nữa.

    Tôi gật đầu. Một lát sau tới Carnegie Hall, ông Chaliapine bảo ông thích nhìn vẻ mặt của những người tới mua vé nghe hòa nhạc ở Viện Âm Nhạc. Chúng tôi ngừng lại vài phút rồi tiếp tục đi.

    Lần này ông nhanh nhẩu bảo:
    - Chỉ còn tám trăm thước nữa là tới vườn thú Công Viên Trung Ương. Ở đó có một con đười ươi mặt giống như một ca sĩ có giọng cao mà tôi quen.

    Chúng tôi lại thăm con đười ươi. Cách đó một ngàn hai trăm thước, về đường Broadway, chúng tôi ngừng trước một tiệm tạp hóa. Trước cửa tiệm có bày một thùng dưa leo, Chaliapine trố mắt ngó dưa leo một lúc: bác sĩ cấm ông ăn dưa leo.
    - Chà, coi ngon quá. Trông thấy mà nhớ tuổi trẻ của tôi.

    Còn tôi, tôi tự hỏi vì sao ông chưa ngất ngư chứ, mà lại thấy khỏe mạnh hơn bao giờ. Chúng tôi ngừng một lần cuối cùng nữa ở đường 90 để ngắm những hàng trái cây tại ngôi chợ trước trạm xe điện mới sơn lại, góc đường 96 và sau cùng là tới khách sạn. Chaliapine cười bảo tôi:
    - Đường đâu có xa, phải không? Bây giờ tụi mình đi ăn.

    Sau bữa ăn thịnh soạn, ông mới cho tôi hiểu tại sao ông bắt tôi đi bộ sáu cây số đó. Giọng ông nghiêm trang:
    Anh sẽ không bao giờ quên lần đi bộ ngày hôm nay đâu. Tôi đã cho anh một bài học nhỏ đó. Đừng bao giờ lo lắng, buồn rầu vì đích còn xa. Chỉ nghĩ tới cái gì ở cách ta một trăm thước thôi. Đừng lo ngại về một tương lai bấp bênh. Chỉ nghĩ tới những cái vui ngày hôm sau thôi, dù nó tầm thường tới mức nào đi nữa.

    ********

    Nhiều năm đã trôi qua. Ông Chaliapine đã quy tiên, hầu hết những chỗ làm mục tiêu trong lần đi bộ không sao quên được đó nay đã không còn, cảnh vật đã biến thiên. Nhưng trong bao nhiêu năm đó, triết lý thực tế của ông đã giúp tôi rất nhiều.

    Nó đã giúp tôi khi tôi quyết định học tiếng Anh.
    Không khi nào tôi tự hỏi: “Phải học bao năm nữa mới viết được thứ tiếng đó?” Trái lại tôi tự nhủ: “Hôm nay trên tờ báo Times có hai mươi tám tiếng mình chưa biết. Ngày mai sẽ còn không tới hai mươi tiếng.”

    Triết lý đó cũng giúp tôi giữ vững được tinh thần khi vì lầm lỡ của các người hùn vốn, tôi buộc phải trả cho chủ nợ nửa số tiền mà tôi hy vọng kiếm được trong bốn năm sau. Nếu trong hai trăm lẻ tám tuần lễ đó, tôi cứ nghĩ bụng rằng phải sống cực khổ thì chắc chắn tôi đã nản chí mà không kiếm được một đồng nào cả. Nhưng tôi chỉ tự nhủ: “Thứ hai, thứ tư và thứ sáu, mình sẽ làm cho mình.” Nghĩ vậy thì mọi sự sẽ thay đổi hết. Tôi trả được hết nợ và kiếm được đủ sống, không đến nỗi thiếu thốn.

    Qui tắc trăm bước của Chaliapine là quy tắc vàng. Ai cũng thấy được điều hữu ích mà đi theo. Có thể rằng cái đích ta nhắm còn xa thăm thẳm, nhưng không đầy trăm bước là “tới đại lộ 6”. Như vậy cứ từng chặng từng chặng một, chúng ta chẳng những sẽ tới đích, mà trên đường đi còn được hưởng nhiều cái vui nữa.

    Quy tắc 10.000 giờ
    Không có vinh quang nào lại không phải trả giá, những nhân vật được coi là xuất chúng trong lịch sử cũng phải tận dụng từng giây từng phút để tìm tòi nghiên cứu. Và từ đây, quy tắc 10.000 giờ hình thành.

    Năm 1971, trường Đại học Michigan khai trương Trung tâm Máy tính mới trong một tòa nhà mới xây dựng tại Beal Avenue ở Ann Arbor, với các bức tường gạch bên ngoài màu be và mặt tiền ốp kính tối màu. Hệ thống máy chủ to lớn của trường tọa lạc giữa căn phòng màu trắng rộng rãi. Một thành viên trong khoa nhớ lại: "Nhìn vào đó hệt như một trong những cảnh cuối cùng của bộ phim 2001: A Space Odyssey (Cuộc du hành vũ trụ)".

    Ngay mé bên là hàng tá các cỗ máy đọc phiếu đục lỗ - thứ trong những tháng ngày ấy làm nhiệm vụ nhập dữ liệu cho những thiết bị đầu cuối máy tính. Vào năm 1971, đó là thành tựu tiên tiến hạng nhất của thời đại. Đại học Michigan nắm trong tay một trong những chương trình khoa học máy tính tiên tiến nhất trên thế giới và trong suốt thời gian tồn tại của Trung tâm Máy tính, hàng nghìn sinh viên đã bước qua căn phòng trắng ấy, và người nổi tiếng nhất trong số đó là một chàng trai trẻ nhút nhát mang tên Bill Joy.

    Joy nhập học trường Michigan đúng vào năm Trung tâm Máy tính khai trương. Cậu 16 tuổi, cao và rất gầy, với kiểu đầu ngỗ ngược. Trường cấp III North Farmington, ngoại ô Detroit, nơi cậu học, đã bầu chọn cậu là "Học sinh siêng năng nhất". Bill Joy chính là một "kẻ nghiện máy tính vô thời hạn". Cậu đã từng nghĩ mình sẽ trở thành một nhà sinh vật học hoặc nhà toán học. Nhưng cuối năm thứ nhất, tình cờ sa chân vào Trung tâm Máy tính - và cậu bị vướng ngay vào.

    Kể từ thời điểm đó trở đi, Trung tâm Máy tính chính là cuộc sống của Joy. Cậu lập trình bất cứ khi nào có thể. Kiếm được việc làm với một giáo sư khoa học máy tính nên cậu có thể lập trình suốt mùa hè. Vào năm 1975, Joy theo học khoa sau đại học tại trường Đại học California ở Berkeley. Tại đó, cậu thậm chí còn dấn sâu hơn vào thế giới phần mềm máy tính. Trong bài kiểm tra vấn đáp cho kỳ thi Tiến sỹ của mình, cậu đã xây dựng một thuật toán đặc biệt phức tạp về chặng bay đến nỗi, như một trong những người ái mộ cậu đã từng viết, "làm kinh sợ các vị giám khảo đến mức một trong số họ sau đó đã ví trải nghiệm đó như là 'Jesus làm bẽ mặt các bậc tiền bối"'.

    Cộng tác với một nhóm nhỏ các lập trình viên, Joy đảm trách nhiệm vụ viết lại UNIX, một hệ thống phần mềm được phát triển bởi AT&T cho các máy trung tâm. Phiên bản của Joy rất tốt. Nó tốt đến mức, trên thực tế, nó đã trở thành - và hiện vẫn duy trì - vai trò hệ điều hành mà đúng theo nghĩa đen hàng triệu máy tính khắp thế giới vận hành nhờ vào đó. "Nếu mở chiếc máy Mac của bạn ở chế độ có thể nhìn thấy phần mã nguồn", Joy nói, "Tôi sẽ nhìn thấy những thứ mà tôi nhớ mình đã viết ra hai mươi lăm năm về trước", anh cho biết thêm. Và, bạn có biết ai đã viết ra hầu hết phần mềm cho phép bạn truy cập vào Internet không? Đó chính là Bill Joy.

    Sau khi tốt nghiệp Berkeley, Joy là đồng sáng lập hãng Sun Microsystems ở Thung lũng Silicon, một trong những công ty dự phần then chốt nhất trong cuộc cách mạng máy tính. Tại đó anh đã viết lại một ngôn ngữ máy tính khác - Java - và huyền thoại về anh càng trở nên ghê gớm hơn. Giữa những người trong nghề ở Thung lũng Silicon, Joy được nhắc tới với nhiều nể trọng kiểu như Bill Gates của Microsoft vậy. Anh đôi khi còn được gọi là Edison của Internet. Như David Gelernter, nhà khoa học máy tính trường Yale, nói: "Bill Joy là một trong những người có ảnh hưởng nhất trong lịch sử hiện đại ngành máy tính".

    Câu chuyện về tài năng thiên bẩm của Bill Joy đã được kể biết bao nhiêu lần, và bài học luôn là như thế. Lĩnh vực này là một thế giới thuần khiết nhất trong số các chế độ hiền tài. Lập trình máy tính không vận hành như một thứ hội vui tuổi già, nơi bạn thăng tiến nhờ vào tiền bạc hay các mối quan hệ. Nó là một sân chơi rộng mở trong đó tất cả những người tham dự được đánh giá chỉ dựa trên tài năng và thành tích của họ. Đó là một thế giới nơi những người xuất sắc nhất giành thắng lợi, và Joy rõ ràng là một trong những người như thế.

    Mặc dù vậy, sẽ dễ dàng hơn nhiều để tiếp nhận phiên bản ấy của các sự kiện, nếu chúng ta không nhìn vào các cầu thủ khúc côn cầu và bóng đá. Lĩnh vực của họ cũng từng có nhiệm vụ phải là một chế độ nơi tài năng là điều tiên quyết. Có điều nó đã không phải hoàn toàn như vậy. Đó là câu chuyện về Những kẻ xuất chúng trong một lĩnh vực riêng biệt nào đó vươn tới vị thế cao ngất của họ thông qua sự kết hợp giữa năng lực, cơ hội và ưu thế không bị ràng buộc tối đa.

    Liệu có khả năng mẫu hình tương tự của những cơ hội đặc biệt cũng khai triển trong một thế giới thực hay không? Hãy cùng quay trở lại với câu chuyện của Bill Joy và thử khám phá.

    Bill Joy có tài năng nhưng đó không phải nguyên cớ duy nhất. Hãy nhìn vào cả dòng chảy cơ hội cuốn đến với Bill Joy. Nhờ việc đến học ở một trường xa xôi hẻo lánh như Đại học Michigan, anh có thể luyện tập trên một hệ thống sử dụng đồng thời thay vì với những thẻ đột lỗ; lại nữa, hệ thống của Michigan bỗng nhiên tồn tại một lỗi kỹ thuật để anh có thể lập trình bất kỳ thứ gì anh muốn; vì trường này tự nguyện chi trả tiền bạc để Trung tâm Máy tính mở cửa 24/24, nên anh có thể thức trắng đêm ở đó. Và vì anh có thể dốc vào đó rất nhiều thời giờ, nên đến thời điểm anh đột nhiên được mời viết lại UNIX, anh chắc chắn đã sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ. Bill Joy thật thông minh. Anh muốn học. Nguyên cớ này đóng vai trò quan trọng. Nhưng trước khi Joy có thể trở thành một chuyên gia thực thụ, ai đó phải đem đến cho anh một cơ hội để học cách làm thế nào trở thành một chuyên gia.

    "Tại Michigan, tôi lập trình 8 giờ hoặc 10 giờ một ngày", anh nói tiếp. "Đến lúc ở Berkeley tôi làm việc đó cả ngày lẫn đêm. Tôi có một bộ thiết bị đầu cuối ở nhà. Tôi thức đến tận 2 hay 3 giờ sáng, xem những bộ phim cũ kỹ và lập trình. Đôi khi tôi ngủ gục ngay trên bàn phím" - Bill Joy diễn tả bằng điệu bộ đầu mình gục trên bàn phím - "Và bạn có biết là một phím sẽ nhấn đi nhấn lại ra sao cho đến cuối cùng, rồi nó bắt đầu kêu beep, beep, beep? Sau khi chuyện đó xảy ra ba lần, đã đến lúc bạn phải đi ngủ rồi. Tôi vẫn tương đối kém ngay cả khi tôi đã đến Berkeley. Tôi bắt đầu thành thạo vào năm thứ hai. Đây chính là thời điểm tôi viết ra những chương trình vẫn được sử dụng đến tận ngày nay, ba mươi năm kể từ khi đó".

    Bill Joy cho biết nếu tính cả những ngày hè, những buổi tối, và thầu đêm suốt sáng anh đã ngồi lỳ bên máy tính chừng 10.000 giờ để tìm tòi và khám phá những tiện ích mà chiếc máy tính mang lại.

    Vậy, quy luật 10.000 giờ có phải là yếu tố chính thành công? Nếu chúng ta bới sâu xuống phía dưới bề ngoài của tất cả những người thành công vĩ đại, liệu chúng ta có luôn tìm thấy những thứ tương tự như Trung tâm Máy tính Michigan hay đội tuyển toàn sao môn khúc côn cầu - tức một kiểu cơ hội luyện tập đặc biệt nào đó không?

    Hãy kiểm nghiệm ý tưởng này với hai ví dụ, và để đơn giản dễ hiểu, ta sẽ lựa chọn ví dụ càng quen thuộc càng tốt: Beatles, một trong những ban nhạc rock nổi danh nhất từ trước tới nay; và Bill Gates, một trong những người giàu nhất thế giới.

    Beatles - với bốn thành viên John Lennon, Paul McCartney, George Harrison, và Ringo Starr - đặt chân tới nước Mỹ vào tháng Hai năm 1964, bắt đầu cái gọi là Cuộc xâm lăng Anh quốc vào sân khấu âm nhạc Mỹ và cho ra đời một loạt những bản thu âm đỉnh cao đã biến đổi cả diện mạo của nền âm nhạc đại chúng.

    Điều quan sát thú vị đầu tiên về Beatles để phục vụ cho những mục đích của chúng ta là họ đã sát cánh bên nhau được bao lâu tính đến thời điểm họ đặt chân đến Mỹ? Tính cả thời gian chơi, tập luyện không ngừng thì con số này cũng suýt soát 10.000 giờ.

    John Lennon một trong những thành viên trong ban nhạc nói: Chúng tôi chơi khá hơn và thêm tự tin. Điều đó là tất yếu sau những trải nghiệm do việc chơi nhạc suốt đêm dài mang lại. Thêm cái lợi nữa họ là người nước ngoài. Chúng tôi phải cố gắng thậm chí nhiều hơn nữa, trút tất cả trái tim và tâm hồn vào đó, để vượt qua chính mình".

    Còn đây là Pete Best, tay trống của Beatles tâm sự: "Mỗi khi có tin tức lan ra về việc chúng tôi đang thực hiện một sô diễn, câu lạc bộ bắt tay vào dập tắt nó ngay. Chúng tôi chơi suốt bảy tối một tuần. Mới đầu chúng tôi chơi gần như một mạch không nghỉ tới khi câu lạc bộ đóng cửa lúc hai mươi ba giờ. Nhưng khi chúng tôi đã chơi khá hơn, đám đông khán giả thường ở lại tới tận hai giờ sáng".

    Giờ hãy cùng quay trở lại với lịch sử của Bill Gates. Câu chuyện của ông cũng nổi tiếng tương tự như của Beatles. Một thần đồng toán học thông minh, trẻ trung khám phá việc lập trình máy tính. Bỏ học dở chừng trường Harvard. Khởi sự một công ty máy tính có tên Microsoft với bạn bè. Bằng trí thông minh và tham vọng cũng như lòng quả cảm tuyệt đối, ông đã xây dựng nó trở thành người khổng lồ của thế giới phần mềm. Đó chỉ là đường viền ngoài rộng lớn thôi. Hãy đào vào sâu thêm một chút.

    Năm 1968, Gates đã gần như sống trong phòng máy tính. Ông và những người khác bắt đầu tự dạy cho mình cách sử dụng thiết bị mới mẻ lạ lùng này. Trong khoảng thời gian bảy tháng hồi năm 1971, Gates và nhóm bạn của ông đã sử dụng máy tính suốt 1.575 giờ đồng hồ trên máy chủ của ISI, tính trung bình là 8 tiếng một ngày, 7 ngày một tuần.

    "Đó là nỗi ám ảnh với tôi", Gates nói về những năm đầu tiên ở trung học của ông. "Tôi bỏ tiết thể dục. Tôi đến đó vào ban đêm. Chúng tôi lập trình vào cuối tuần. Hiếm hoi lắm mới có một tuần mà chúng tôi không tiêu tốn vào đó hai mươi hay ba mươi tiếng đồng hồ. Có một khoảng thời gian Paul Allen với tôi vướng vào chuyện rắc rối vì ăn cắp một loạt password và làm sập hệ thống. Chúng tôi bị tống cổ. Tôi không được sử dụng máy tính trong suốt mùa hè. Khi ấy tôi mới 15-16 tuổi.

    Sau đó, tôi phát hiện ra là Paul tìm được một máy tính để trống ở Đại học Washington. Họ đặt những chiếc máy này ở trung tâm y tế và khu điều trị. Những chiếc máy này được đặt kế hoạch làm việc 24/24, nhưng có một khoảng thời gian nhàn rỗi, vậy nên trong khoảng từ 3 giờ đến 6 giờ sáng họ không lên kế hoạch gì cả", Gates cười. "Tôi rời khỏi nhà vào buổi đêm, sau giờ đi ngủ. Tôi có thể cuốc bộ đến Đại học Washington từ nhà. Hoặc tôi sẽ bắt xe buýt. Đó là lý do tại sao giờ đây tôi luôn hào phóng với Đại học Washington, bởi họ đã từng để tôi ăn cắp quá nhiều thời gian sử dụng máy tính." (Nhiều năm sau đó, mẹ Gates nói, "Chúng tôi cứ thắc mắc tại sao lại thằng bé lại khổ sở đến thế khi phải thức dậy vào buổi sáng")", Gates nói.

    (Trích cuốn sách "Những kẻ xuất chúng" do Công ty Alpha Books phát hành)
     
  2. anhcoihy1

    anhcoihy1 <b>๖ۜHøaღVôღŠắcى</b>

    đã đọc và cũng đã hiểu nội dung câu chuyên cám ơn TTH đã nhắc nhở
     
  3. _*Thiên*Mệnh*_

    _*Thiên*Mệnh*_ Đường Về Ta Vắng Em

    Chỉ trừng 100 bước nữa thôi thật ý nghĩa : nếu phải đi 1 đoạn đường xa đừng nghĩ đến chiều dài của con đường đó mà hãy nghĩ đến những điểm thú vụ trên hành trình mình sẽ cảm thấy đoạn đường ngắn đi rất nhiều ! và đừng bao giờ nghĩ bao lâu nữa mình sẽ thành công mà cứ hãy cố gắng hết mình !

    qui tắc 10.000 giờ có thể nói là nó bao gồm cả tình yêu ,sự nhiệt huyết trong công việc và thời gian làm việc sự cố gắng sẽ cho ta nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống để đi đến thành công !


    2 câu chuyện trên cho ta biết được nhiều điều trong cuộc sống và giúp ta có nghị lực hơn trong công việc !

    cám ơn bác Hi về bài viết đầy ý nghĩa
     
    Hoang_Ha, Thiên Thanh Hianhcoihy1 đã thích.
  4. Lê Trương

    Lê Trương <b>POLICE</b>

    Hai câu chuyện của TTH mình đã từng được một người bạn thân tặng trong 1 bộ collection nhưng câu truyện hay và ý nghĩa về cuộc sống. Câu chuyện Chỉ chừng trăm bước nữa của Frederick Van Ryn là câu chuyện mình thấy ấn tượng nhất, nó cho mình bài học rất lớn về niềm tin và nghị lực vươn lên khó khăn trong cuộc sống. Đây là câu chuyện để lại cho mỗi chúng ta những suy nghĩ và bài học khác nhau. Thanks TTH đã chia sẻ cho mọi người.
     
    Thiên Thanh Hianhcoihy1 đã thích.
  5. —Lệ Trong Tim™

    —Lệ Trong Tim™ Michael Văn Anh

    Bai viết rất có ý nghĩa .Tks A Hi :)
     
    anhcoihy1Thiên Thanh Hi đã thích.
  6. Gia Bảo

    Gia Bảo <b>Long[̲̅ə̲̅٨̲̅٥̲̅٦̲̅]Hiền</b>

    Luôn luôn lắng nghe.Luôn luôn khó hiểu :(
     
    anhcoihy1Thiên Thanh Hi đã thích.
  7. Thiên Thanh Hi

    Thiên Thanh Hi Ban Quản Trị

    Khi hội tụ mọi nguyên tắc và hành vi đã làm nên thành công, có thể dễ dàng thấy được nguyên tắc đơn giản nhất là làm tốt việc ngay trước mắt. Hay có thể nói: Bước từng bước.

    Thêm một câu chuyện nữa:
    Một chiếc đồng hồ con, mới mua về được đặt giữa hai chiếc đồng hồ cũ.

    Hai chiếc đồng hồ cũ cứ tích tắc tích tắc trôi qua từng giây từng phút.

    Một trong hai chiếc đồng hồ nói với chiếc đồng hồ con:
    “Đến đây nào, cậu cũng phải bắt đầu làm việc rồi đó. Nhưng tôi có chút lo lắng, khi cậu đã chạy những ba lần 32 triệu lượt, e rằng cậu sẽ đột quỵ mất thôi!”

    “Ôi trời! 32 triệu lượt cơ á!” Đồng hồ con lo sợ không ngừng. “Bắt tôi làm công việc to lớn thế này ư? Làm không xuể đâu, không xuể đâu!”

    Chiếc đồng hồ cũ kia bèn lên tiếng: “Đừng nghe cậu ta nói tào lao, đừng lo lắng thế, cậu chỉ cần mỗi một giây tích tắc một cái là được!”

    “Trên đời này có công việc đơn giản đến thế sao?” Đồng hồ con bán tính bán nghi. “Nếu quả thật như vậy, để tôi thử xem sao!”

    Đồng hồ nhỏ cứ thế nhẹ nhàng tích tắc một cái khi mỗi một giây đi qua, bất giác, một năm đã trôi qua, nó đã đi hết 32 triệu lượt.

    Ai cũng hy vọng giấc mơ của mình thành hiện thực, ngưỡng cửa tiến đến thành công dường như rất là xa xôi không thể với tới được, và vì thế, cảm thấy tự ti và mất đi niềm tin vào chính mình, hoài nghi bản thân ta, buông xuôi nỗ lực phấn đấu cho mình.

    Thật ra, chúng ta không cần thiết phải nghĩ chuyện về sau, một năm, thậm chí chuyện của một tháng sau, chỉ cần nghĩ đến, hôm nay tôi phải làm những gì, ngày mai tôi phải làm những gì, sau đó cố gắng hoàn thành cho tốt, giống như chiếc đồng hồ con ấy, mỗi giây tích tắc một cái, ngưỡng cửa thành công sẽ từ từ rộng mở đón lấy bạn thôi.
     
    _*Thiên*Mệnh*_ thích bài này.
  8. _*Thiên*Mệnh*_

    _*Thiên*Mệnh*_ Đường Về Ta Vắng Em

    Cứ sống và làm việc 1 cách thoải mái ta sẽ thấy thời gian và công việc trôi qua rất nhanh !
     
Trạng thái chủ đề:
Đã khóa. Bạn muốn mở lại chủ đề? Nhắn tin cho admin Thiên Thanh Hi

Chia sẻ trang này