Mẹ bị tai biến mạch máu não, phải nằm liệt giường. Thân hình còm nhom, tiều tụy gầy xơ xác. Mỗi miếng ăn giờ trở nên khó nhọc, không nói được, công việc bài tiết hầu như cũng không tự chủ nhưng những lúc tỉnh táo cánh tay phải còn lại chưa bị liệt hẳn của mẹ vẫn cố nhúc nhắc ra hiệu mỗi khi cần để khỏi làm phiền đến con cháu. Không ngủ được, nhưng đôi mắt mẹ lúc nào cũng khép hờ, không một tiếng rên la, nhìn mẹ giống như một đứa trẻ. Về trông mẹ, lặng ngồi ngắm mẹ những lúc như thế, cầm bàn tay chỉ còn da bọc xương của mẹ trong tay mình, con chợt thấy xót xa. Mới hay bệnh tật và tuổi già không chừa một ai cả... Nhớ ngày con lên thành phố thi đại học có mẹ theo cùng. Hơn nửa đời người chưa từng bước chân đi đâu quá xa ngoại trừ ra thị xã, vậy mà mẹ vẫn cơm đùm cơm nắm đưa con đi thi. Vừa xuống bến xe, mẹ bụm miệng tìm ngay một góc khuất "cho ra" để con không nhìn thấy, rồi liền ngay sau đó ngoắc xe ôm mà cả dáng vẻ rất thành thạo (nhưng người nhà quê dù cố giấu thế nào vẫn cứ lóng nga lóng ngóng trông mới tội nghiệp làm sao) như đây không phải lần đầu mẹ lên thành phố vậy "cốt để người ta khỏi bắt chẹt mình!". Những ngày con đi thi là những ngày mẹ không ăn không ngủ. Mẹ tiết kiệm đến mức tối đa để dành tiền mua những thức ngon cho con tẩm bổ, còn mẹ ăn qua quéo rồi về nhà trọ mẹ lại dở cơm nắm muối vừng mang theo. "Con phải ăn để có sức làm bài, mẹ ăn thế này quen rồi, cơm gà cá gỏi mẹ ăn không hợp...". Thi xong đợt một, con bị ốm vì căng thẳng do mất ngủ và học bài quá sức. Mẹ thức trắng cả đêm giặt khăn ướt đắp lên trán cho con. Nghe những người trông con đi thi trọ cùng, canh lúc con ngủ nhờ người trông hộ, mẹ tìm đến phố Lãn Ông mua thuốc bắc rồi mượn chủ nhà trọ ấm, bếp hì hụi cả đêm ngồi sắc. Thảng những lúc giật mình tỉnh giấc, thấy dáng mẹ lom khom ngoài sân, mùi thuốc bắc bốc lên ngào ngạt con lại ứa nước mắt. Con ốm, nét buồn lo hiện rõ trên gương mặt mẹ. Con khỏe trở lại, mẹ tươi cười rạng rỡ nhưng vẫn không giấu nổi những lo âu trong từng cử chỉ, ánh mắt vì vẫn còn hai đợt thi nữa con phải "chiến đấu". Môn thi cuối của đợt thi cuối cùng kết thúc, con thấy mẹ như thở phào nhẹ nhõm vì con đã làm bài tốt mà không hề hấn gì. Vì mới lần đầu ra thành phố lại làm bài tốt nên con muốn ở lại thêm một ngày đi thăm thú đó đây mà không biết rằng mẹ đang đếm từng phút từng giờ để được trở về nhà với con lợn con gà... Con vô tâm thật! Tốt nghiệp đại học, tìm được việc làm ở thành phố, con quay cuồng với công việc và những mối quan hệ bạn bè, xã hội... mà có nhiều khi quên mất mẹ. Chỉ những khi vấp ngã, thất bại trong công việc hay chia tay người yêu... buồn đau, con mới nhớ đến mẹ và quay trở về gục đầu vào lòng mẹ thổn thức. Nhưng rồi không chịu được buồn tẻ và cuộc sống bình lặng ở "nhà quê", nơi chôn nhau cắt rốn có ruộng đồng, ao cá, vườn cây, có con lợn con gà... con - một kẻ vô ơn thậm chí có lần đã bĩu môi dè bỉu - không đợi cho vết thương lành hẳn, không đợi mẹ vui hết (dù con về chỉ là để trút lên mẹ nỗi đau của con) con lại quày quả ra đi mặc cho mẹ nài giữ, lo lắng. Sau này, khi đã nếm trải và nhận thức ra nhiều điều, có đôi lần con tự hỏi không biết bao giờ con mới lớn lên đây để cho mẹ khỏi bận tâm, lo lắng? Về trông mẹ, nhìn mẹ nằm thiêm thiếp trên giường, người chỉ còn da bọc xương, hơi thở nhẹ như cơn gió, nhẹ hơn cả cơn gió con mới thấm thía câu thơ của ai đó đã có lần con chép vào sổ tay khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học: "Con gái/ Có người yêu, quên mẹ/ Mất người yêu, nhớ mẹ/ Mẹ là người nhà/ Thương muộn/ Có sao đâu?!". Mẹ là người nhà, thương muộn có sao không? Con khóc.